Kết thúc Pháp mở rộng 2022: Tượng đài Nadal tạo niềm cảm hứng Swiatek
Roland Garros 2022 đã hạ màn với kết quả không nằm ngoài dự đoán của nhiều người khi tay vợt hay nhất WTA hiện nay Iga Swiatek và huyền thoại giải đấu Rafael Nadal cùng đăng quang.
Trước thềm giải đấu, Nadal cùng với Novak Djokovic và Carlos Alcaraz là ba ứng viên nặng ký nhất cho danh hiệu vô địch đơn nam. Nhưng sự thực là phải đến chiều Chủ nhật, khi Nadal đứng giữa sân trung tâm, ôm chặt chiếc cúp La Coupe des Mousquetaires sau khi đánh bại Casper Ruud 6-3, 6-3, 6-0, người ta mới thực sự yên tâm về anh.
Tượng đài Nadal
Tài năng và đẳng cấp của Nadal là điều miễn bàn, song điều khiến người ta lo ngại nhất ở anh là vấn đề thể lực, sau gần hai thập kỷ vật lộn với chứng Muller-Weiss khiến cho một phần xương bàn chân bị hoại tử. Hồi đầu năm, anh từng đề cập đến khả năng giải nghệ, và ở Paris, những đồn đoán tương tự lại nổi lên, ngay trước trận chung kết. Nhưng Nadal vẫn tiếp tục chiến đấu và chiến thắng, đã gặt hái Grand Slam thứ hai trong năm, và là thứ 22 trong sự nghiệp, đồng thời phủ nhận tin đồn giải nghệ. “Tôi chưa rõ điều gì xảy ra trong tương lai, nhưng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng”, anh quả quyết vậy trong lễ trao giải.
Dĩ nhiên, việc tiêm thuốc tê và giảm đau hàng ngày không thể là giải pháp triệt để khi đôi chân anh đã phải chịu đựng quá lâu. Tuần sau, Nadal sẽ tiến hành thủ thuật cắt bỏ dây thần kinh bằng tần số vô tuyến. Nếu phương án này không thành công, anh mới phải đại phẫu, và xấu nhất là phải giải nghệ. “Hãy cứ từng bước một, như tôi đã làm suốt sự nghiệp. Trước mắt là như vậy để xem nó hiệu quả không. Hãy chờ xem tôi có thể dự mùa giải sân cỏ không”, Nadal chia sẻ.
Casper Ruud trưởng thành từ học viện quần vợt của Nadal ở Mallorca và xem anh là một thần tượng. Thậm chí, năm 14 tuổi, cậu bé này còn bay từ Na Uy đến Paris để xem trận chung kết Roland Garros 2013 giữa Nadal và David Ferrer. Sự trưởng thành vượt bậc của Ruud chắc chắn có dấu ấn không nhỏ của Nadal. Tất nhiên, chừng ấy là không đủ để tạo nên một cuộc lật đổ. Những kỷ lục của Nadal tại Paris vừa có thể xem như một hình mẫu, vừa tạo nên sự oai phong, đáng sợ của anh trên sân đấu. Thành tích 112 thắng - 3 thua của anh chắc chắn là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Roland Garros. “Một ngày nào đó, tôi sẽ nói với các cháu mình rằng, tôi đã thi đấu với Rafa ở Philippe Chatrier”, Ruud nói với một giọng điệu đầy tự hào.
Ngoài chiến tích của Nadal, giải đấu này còn ghi nhận sự tiến bộ của Carlos Alcaraz, dù dừng bước ở tứ kết. Zverev cũng thể hiện dấu ấn đáng kể trước Nadal ở bán kết, cho đến khi dính chấn thương đáng tiếc. Giải đấu này cũng chào đón sự trở lại của Djokovic sau khi anh không được dự Australian Open vì không chịu tiêm vaccine. Cũng phải kể đến buổi tri ân Jo-Wilfried Tsonga. Và tất nhiên, không thể quên Ruud, tay vợt Na Uy đầu tiên lọt vào chung kết Grand Slam. Nhưng trên tất cả là Nadal, với sức mạnh hủy diệt mọi đối thủ, dù luôn phải thi đấu với những cơn đau nhức nhối.
Swiatek và cảm hứng từ Nadal
Casper Ruud dĩ nhiên không phải đại diện duy nhất của thế hệ trẻ thần tượng Nadal. Nhà vô địch đơn nữ Iga Swiatek cũng vậy. Tay vợt người Ba Lan chia sẻ về cuộc gặp với Nadal ở giải năm ngoái khi Nadal bị loại ở bán kết. “Tôi gặp anh ấy ở bữa sáng ở khách sạn và bảo rằng mình đã khóc cả đêm vì anh bị loại. Nadal đáp: ‘Chỉ là một trận đấu thôi mà. Có thắng, có thua, cũng thường thôi’. Không phải ai cũng có thể bình thản như thế, coi những khoảnh khắc trọng đại như một trận đấu bình thường khác. Đó là một điều thật đặc biệt”.
Đầu tháng trước, Swiatek đến thăm học viện Rafael Nadal và choáng ngợp trước bộ sưu tập của tay vợt người Tây Ban Nha. Toàn bộ số danh hiệu Grand Slam được trưng bày ở đây, bên cạnh 79 danh hiệu ATP Tour khác và 2 tấm HCV Olympic. Chiến tích kỳ vĩ của Nadal có lẽ đã thôi thúc Swiatek rất nhiều khi hành quân đến Roland Garros, giải đấu mà cô từng vô địch lần đầu năm 2020, khi mới 19 tuổi. Cô là ứng cử viên số một, và chỉ thua 1 set trên hành trình đăng quang lần thứ hai trong vòng ba năm.
“Điều khó khăn nhất là không để đầu óc suy nghĩ quá nhiều về những phân tích tổng thể, những con số và tỷ lệ cược”, Swiatek chia sẻ. Nhưng bất chấp thực tế ấy, cô vẫn đánh như dạo chơi trước Coco Gauff (6-1, 6-3) chỉ sau 68 phút. Đó là một chiến thắng tàn nhẫn và là hình ảnh điển hình của Swiatek ở Paris năm nay. Swiatek cũng nói về sức ép khi ở trên ngôi số một thế giới, nhưng cô hiếm khi bộc lộ điều đó trên sân đấu. Có lẽ, thời điểm Swiatek căng thẳng nhất là khi cô thua Qinwen Zheng 6-7 (5) ở set đầu tiên tại vòng 4. Nhưng rất nhanh chóng, Swiatek chuyển đổi chiến thuật và thắng nhanh 2 set sau đó với tỷ số 6-0, 6-2.
Trên sân đấu, Swiatek thể hiện sự kiên định và khả năng tranh đấu mạnh mẽ, nhưng ngoài đời là sự vui vẻ, hòa nhã, không ngại ngần chia sẻ suy nghĩ của mình. Cô có thể nói thao thao bất tuyệt về vẻ đối xứng tuyệt vời của điện Versailles, về cuốn truyện trinh thám Murder on the Orient Express của Agatha Christie, hay Top 5 bài hát ưa thích với AC/DC, Pearl Jam, Gorillaz và Led Zeppelin. Nhưng dĩ nhiên, quần vợt vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Khi được hỏi cô yêu thích gì ở quần vợt, Swiatek đáp: “Tôi thích chiến thắng, đó là điều hiển nhiên”.
Để chuẩn bị cho Roland Garros, Swiatek mang theo chuyên gia tâm lý học Daria Abramowicz, người mà cô đã dành những lời cảm ơn sau khi vô địch. Và dù rất thích, nhưng cô cũng không đến Stade de France để xem chung kết Champions League vì muốn tập trung tối đa cho Roland Garros.
Sự tập trung của Swiatek còn nổi bật hơn trong bối cảnh các hạt giống hàng đầu khác đều bị loại quá sớm. Tính đến vòng ba, cô là hạt giống duy nhất trong Top 10 còn trụ lại. Không ai ngạc nhiên trước sự ổn định ấy bởi Swiatek đang sở hữu chuỗi 35 trận bất bại, vượt qua thành tích của Serena Williams, cân bằng thành tích của Venus Williams, và chỉ kém 2 trận so với kỷ lục của Martina Hingis. Bây giờ, Swiatek sẽ đến Wimbledon với tư cách ứng viên số một của kỷ nguyên hậu Ashleigh Barty. Trong khi đó, những Gauff, Emma Raducanu, Petra Kvitova, Simona Halep, và có thể cả Serena Williams đều chỉ sắm vai kẻ bám đuổi. Tất nhiên, trải nghiệm sân cỏ là không hề dễ dàng, và thành tích tốt nhất của Swiatek sau hai lần dự Wimbledon trước đây chỉ là lọt vào vòng 4. “Thành thật mà nói, tôi không phải một tay vợt toàn diện. Tôi vẫn còn một số điều cần cải thiện”, cô thẳng thắn.
Nadal đã là một tượng đài trên mặt sân đất nện, còn Swiatek, sau chiến tích vừa rồi cũng đã sẵn sàng bắt đầu một kỷ nguyên thống trị trên mặt sân bụi đỏ này.
Phương Chi
(Tổng hợp)