Juventus: Có Ronaldo, đấy là một Juve khác
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà vua đã trở lại. Hai bàn thắng của Ronaldo vào lưới Spezia hôm Chủ nhật là một dòng nước mát lành đối với Juve trong hoàn cảnh họ dường như đang đi trên sa mạc, không chỉ trong trận đấu đầy khó khăn ấy với đội chủ nhà mới lên hạng mà còn cả trong giai đoạn Pirlo đang loay hoay lắp ráp đội hình.
1. Tầm quan trọng của siêu sao người Bồ Đào Nha chắc chắn không cần phải nhắc lại nữa. Ở tuổi 35, anh vẫn mạnh mẽ, vẫn truyền cảm hứng cho tất cả và vẫn bùng nổ trong những trận đấu có mặt trên sân. Sự phụ thuộc của Juve đối với anh cũng không cần phải bàn cãi thêm nữa nếu chỉ cần nhìn vào những con số thống kê cho thấy Juve thế nào khi có anh (thắng 61/91 trận có CR7 trên sân, tương đương 67%) và khi không có anh (chỉ thắng 10/18 trận, 55%). Nhưng điều mang tính bao quát hơn lại không phải là CR7. Anh chỉ là một nhân tố trong đội bóng và các HLV Juve, từ Allegri, Sarri cho đến Pirlo không xây dựng đội bóng này thành một sân khấu để anh tỏa sáng, mà muốn biến anh thành người có vai trò dẫn dắt và tạo ảnh hưởng về chiến thuật và tinh thần. Anh không thể trận nào cũng tỏa sáng, ghi bàn và đem điểm về cho Juve.
Sự thay đổi lớn của Juve trên sân Spezia không chỉ thể hiện khi Ronaldo xuất hiện và tạo ra một cơn bão. Nó đã có khi Pirlo rút một trong những cầu thủ tấn công (Kulusevski) hoặc hỗ trợ tấn công (Ramsey) để đưa vào một tiền vệ rất nhanh, mạnh và có xu hướng dâng cao (McKennie), từ đó chuyển sơ đồ 3-4-1-2 mất cân bằng khi quá thiên về công trong những trận trước đó sang 3-5-2 đúng nghĩa. Với cách bố trí ấy, Juve có một tiền vệ đá lùi sâu làm nhiệm vụ phân phối bóng (Arthur) và hai tiền vệ trung tâm kiểm soát trung tuyến. Không thể coi đấy là một cuộc cách mạng lớn mà chỉ là một sự điều chỉnh nhưng nếu điều này được lặp lại trong những trận tới, có thể tin rằng, triết lý bóng đá của Pirlo áp dụng cho Juve đã thay đổi, từ hướng muốn chơi tấn công lãng mạn sang hướng thực dụng hơn.
2. Vấn đề then chốt của Juve trên thực tế không phải có Ronaldo hay không, mà là ở tuyến giữa, nơi Pirlo chưa biến những cầu thủ anh có thành những nhân tố quan trọng phục vụ cho lối chơi mà anh mong muốn. Pirlo muốn áp dụng một lối đá nhanh và ít chạm, có thể khống chế khu vực trung tuyến. Nhưng lối chơi ấy đã phá sản trong những trận đấu vừa qua, nhất là trận thua Barca 0-2, khi Bentancur và Rabiot thất bại trong cả tranh chấp tay đôi lẫn kiểm soát bóng, và thất bại của Juve bắt nguồn chính từ khu vực ấy. Pirlo không có trong tay một Pirlo, người mà anh thực sự cần để làm nhiệm vụ luân chuyển điều phối bóng, tham gia cả hỗ trợ phòng ngự lẫn tấn công. Arthur không phải là một cầu thủ như vậy và từng bị chính Pirlo chỉ trích là “chạm bóng quá nhiều”, Bentancur và Rabiot cũng chỉ là những tiền vệ phòng ngự thuần túy.
Khi Juve bế tắc ở tuyến giữa, cách duy nhất họ có thể làm là hoặc để Bonucci chuyền bóng dài lên phía trên, hoặc chuyển bóng ra biên cho Chiesa hoặc Cuadrado lên bóng. Lối đá ấy không tạo ra nhiều đột biến và dễ bị bắt bài. Khi đưa Arthur về thay Pjanic ở mùa Hè qua, có lẽ Juventus đã hy vọng tiền vệ trẻ người Brazil sẽ trở thành một thủ lĩnh ở khu trung tuyến. Trên thực tế, Arthur chưa chiếm được một vị trí chính thức ở Juve khi Pirlo còn đang loay hoay với các phương án cho tuyến giữa, trong khi chính việc có quá nhiều cầu thủ và phương án tấn công đang khiến vị HLV 41 tuổi đau đầu.
3. Không rõ, khi chứng kiến Pjanic giúp Barca làm chủ trung tuyến trong trận gặp Juve thứ Tư tuần trước, Juventus nghĩ gì, nhưng người như anh ở tuyến giữa Juve hiện không có. Dù thế nào đi nữa, ở La Spezia, Juve đã tìm được sự cân bằng với việc cho McKennie đá chính trong sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm. Nhưng đó là giải pháp tối ưu hay tạm thời thì chỉ có thời gian và thực tế sân cỏ mới có thể trả lời.
Ronaldo trở lại là một tin tốt lành, nhưng tạo ra một cơ chế để cả đội cùng tỏa sáng và chơi một thứ bóng đá như mong đợi mới là điều thực sự được kỳ vọng…
Anh Ngọc