Huyền thoại Vivien Leigh - bi kịch sau ánh hào quang
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách tiểu sử mới về diễn viên điện ảnh người Anh Vivien Leigh một lần nữa xới lại bi kịch về huyền thoại này – người luôn được biết đến với 2 câu chuyện: nàng Scarlett O’Hara bất hủ trong phim Cuốn theo chiều gió (Gone With The Wind) và mối tình lớn nhất của nam tài tử Laurence Olivier.
Được phát hành vài ngày trước, cuốn sách của Alan Strachan có tên Dark Star: The Untold Story of Vivien Leigh. Trước đó, rất nhiều cuốn sách khác cũng đã viết về Vivien Leigh - một diễn viên tài năng, quyến rũ nhưng đầy bất hạnh với tật nghiện rượu nặng, chứng rối loạn lưỡng cực và cái chết đầy thể thảm ở tuổi 53 khi ngã quỵ trong phòng tắm.
Cuộc hôn nhân vội vã
Vivien sinh năm 1913 ở Darjeeling, là con của Ernest Hartley, một sĩ quan Anh trong đội kỵ binh Ấn Độ. Trong khi cha Vivien thực hiện những cuộc thám hiểm trong rừng rậm Ấn Độ thì mẹ bà cố gắng truyền cho con gái khả năng văn chương và giới thiệu cho cô những tác phẩm của Christian Andersen, Lewis Carroll và Rudyard Kipling, cũng như những câu chuyện thần thoại Hy Lạp và truyện cổ Ấn Độ.
6 tuổi, Vievien được gửi tới một tu viện ở Roehampton, Anh, để được giáo dục tốt hơn. Những lá thư gửi về nhà của Vivien giống như của một nữ sinh không thể kìm nén được tiếng cười đầy hài hước và vui nhộn. Sau khi bị phạt vì nói chuyện trong lớp, Vivien viết thư cho mẹ: “Mẹ sẽ không nghĩ con là quái thú chứ? Con nghĩ mình đơn giản chỉ là con thỏ. Mẹ bề trên Bruce-Hall hy vọng con đau khổ vì hình phạt đó và nó sẽ giúp con ngoan hơn”.
Vivien có cuộc hôn nhân đầu tiên,và khá vội vàng, với luật sư tốt bụng Leigh Holman người hơn bà 13 tuổi và là người bà nhìn thấy thoáng qua phòng tại một bữa tiệc. Khi được biết rằng Holman đã đính hôn trước đó, Vivien nói: “Đó không phải là vấn đề. Anh ấy chưa gặp tôi”.
Hai người đã kết hôn, có một cô con gái là Suzanne. Nhưng Vivien không làm tròn bổn phận của một người mẹ đúng nghĩa. Suzanne chủ yếu được nuôi dạy trong đôi tay của bà nội, trong khi nữ diễn viên đầy tham vọng thường qua đêm với nhiều diễn viên khác trong “thế giới đầy chất cồn”.
Thái độ của chồng Vivien với tất cả những chuyện này chưa hề được giải thích rõ ràng, song biết rằng ông vẫn hết lòng vì vợ mình. Vài năm sau đó, cuộc đời Vivien cuốn vào “cơn lốc” đam mê. Bà và Olivier bắt đầu mối quan hệ đầy lãng mạn của mình tại trường quay phim Fire Over England. Lúc đó, Olivier đã cũng đã kết hôn và đang chờ đón đứa con đầu lòng.
Khi 2 người xa nhau, Olivier đã viết thư cho Vivien: “Anh như sống trong địa ngục, tình yêu của anh... Anh khóc suốt”.
Đỉnh cao sự nghiệp và sự bê tha
Đỉnh cao sự nghiệp của Vivien đương nhiên là vai diễn nàng Scarlett O’Hara trong phim Cuốn theo chiều gió. Vivien đã “đánh bại” Bette Davis và Katharine Hepburn để giành được vai diễn này và trở thành một ngôi sao thế giới và thậm chí còn nổi tiếng hơn cả Olivier, nam tài tử đã trở thành người chồng thứ 2 của bà. Nhưng Thế chiến II đã phá vỡ tất cả.
Ngày ấy, các diễn viên Anh thường là những người yêu nước và trung thành với tổ quốc. Trong bối cảnh lúc đó, Olivier đang tìm kiếm vai diễn nhằm thể hiện được “biểu hiện quốc gia cho tinh thần Anh” và ông đã đạt được ý nguyện đó với vai diễn trong phim về Henry V. Còn Vivien lưu diễn ở Bắc Phi, giải khuây cho các quân nhân trước khi mắc chứng sốt và ho liên miên.
Năm 1944, bà được chẩn đoán nhiễm lao ở phổi trái, nhưng sau vài tuần nằm viện, bà lại xuất hiện trước công chúng. Đến mùa xuân, trong quá trình đóng phim Caesar và Cleopatra (1945), Vivien phát hiện mình có thai nhưng sẩy thai ngay sau đó. Bà rơi vào suy sụp và liên tục hành hạ Olivier cả về tinh thần và thể xác - cho đến khi bà sảy chân ngã từ trên lầu xuống. Đó là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh rối loạn tâm thần. Olivier bắt đầu nhận ra sự hiếu động thái quá của Vivien, hậu quả từ chứng trầm cảm.
Thành công trong sự nghiệp của Vivien còn phải kể đến vai diễn Blanche DuBois ở phim Chuyến tầu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire – 1951) của đạo diễn Elia Kazan. Trước đó, bà không được cảm tình của Kazan, người không đánh giá cao sự nghiệp của mình. Kazan từng nói; “Cô ta có một tài năng xoàng xĩnh”. Nhưng từ khi bắt đầu cùng làm việc, ông phải thừa nhận “đó là một thùng thuốc nổ mãnh liệt và vượt trội hơn bất cứ nữ diễn viên nào tôi từng biết. Cô ấy sẵn sàng lê chân vào những mảnh chai vỡ nếu nghĩ rằng điều đó có lợi cho diễn xuất”.
Sau vai diễn này, Vivien bắt đầu mắc chứng rối loạn lưỡng cực, bị trầm cảm nặng và càng trầm trọng hơn khi hay uống rượu. Tình trạng bệnh tật của Vivien đã mất kiểm soát đến mức bà có thể ở bên ngoài suốt đêm, quan hệ tình dục với những người lạ trong các công viên ở London và trở về nhà vào lúc bình minh với thân hình “rũ rượi, xốc xếch và đầy bùn”.
Sau đó, Vievien được điều trị bằng cách quấn mình trong những tấm ga lạnh đá và liệu pháp sốc điện, mặc dù vậy bà thích tự chữa bệnh bằng cách hút thuốc, uống rượu và làm vườn hơn. Ngôi sao màn bạc Marlene Dietrich thỉnh thoảng đến giúp bà làm cỏ trong vườn.
Dù từng yêu Vivien điên cuồng như vậy, nhưng Olivier luôn coi trọng nghề diễn của mình hơn tất cả. Katharine Hepburn, nữ diễn viên huyền thoại từng 4 lần đoạt giải Oscar, từng “gói gọn” Olivier bằng nhận định: “Một nam diễn viên vĩ đại - một người đàn ông nhỏ nhen”.
Nhìn lại, giữa tất cả bi kịch của cuộc đời, số phận của Vivien cũng như một ngôi sao băng, lóe sáng và đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tình yêu trước khi vụt tắt.
Tuấn Vĩ (tổng hợp)