Huyền thoại các trận derby bóng đá Việt trở lại
Trận hòa 1-1 giữa CLB Hà Nội và CAHN ở trận đấu bù vòng 4 V-League 2024/25 mới đây đã tốn nhiều giấy mực, từ trước, trong và sau giờ bóng lăn trên sân Hàng Đẫy. Nó cho thấy, huyền thoại về những trận derby đã thực sự trở lại giữa lòng Thủ đô, kể từ sau khi Thể Công (cũ) và CAHN (cũ) biến mất vì vấn đề liên quan đến cơ chế.
Về lý, 2 đội bóng này không có mối quan hệ hữu cơ nào và cũng không thừa hưởng di sản nào từ các huyền thoại CAHN hay Tổng cục Đường sắt trước đây. Hà Nội FC (với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T) được thành lập từ năm 2007 (3 năm thăng 3 hạng) là đội bóng 100% vốn doanh nghiệp (ông bầu Đỗ Quang Hiển). Kể từ khi lên chơi V-League, CLB Hà Nội trở thành đội bóng giàu thành tích nhất giải đấu cao nhất Việt Nam, với 6 chức vô địch, 6 lần á quân và 2 chiếc HCĐ.
Nếu tính thêm cả Cúp QG (3 Cúp vô địch) lẫn Siêu Cúp QG (5 lần lên ngôi), đội bóng của ông Đỗ Quang Hiển nếu xét về thành tích thì không có đối thủ trong hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, CAHN với tiền thân là CAND mới xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam chừng 5 năm. Năm 2023, họ giành quyền lên chơi V-League và ngay lập tức đoạt ngôi vị cao nhất giải đấu. Binh hùng tướng mạnh, CAHN luôn là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. Trận derby với Hà Nội FC vừa qua là minh chứng cho điều đó. Căng thẳng và kịch tính, CAHN chỉ bị chia điểm ở phút đấu bù cuối cùng của hiệp 2.
Tại Hà Nội còn có một đội bóng đang chơi giải đấu cao nhất Việt Nam, đấy là Thể Công Viettel, nhà vô địch V-League mùa giải 2020. Đây cũng là đội bóng giàu về gạo, bạo về tiền và không ngán ngại bất cứ đối thủ đáng gờm nào.
Xem các màn tam tấu của 3 cái tên vừa nhắc, từ độ vài ba năm qua, khiến chúng ta liên tưởng đến quá khứ hào hùng của bóng đá TP.HCM 25 năm đổ về trước. TP.HCM khi ấy với Cảng Sài Gòn, Hải Quan và CATP.HCM thực sự là niềm tự hào, với những trận derby tóe lửa ở Thống Nhất huyền thoại. Trong đó, Cảng Sài Gòn và Hải Quan vẫn thường chiếm ưu thế trước CATP.HCM.
Trong lịch sử, Cảng Sài Gòn dưới thời cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã có 5 lần lên ngôi giải đấu cao nhất Việt Nam, kể từ sau ngày đất nước thống nhất (chỉ kém CLB Hà Nội 1 chức vô địch), thêm 2 chiếc Cúp QG. Hải Quan của bộ ba nguyên tử Lưu Tấn Liêm - Nguyễn Văn Thành (Thành "gù") - Nguyễn Hoàng Minh (Minh "nhí") 1 lần lên ngôi mùa giải 1991 và 2 Cúp QG. Còn CATP.HCM thì VĐQG mùa giải 1995, thêm vài lần về nhì và ba...
Ở bất cứ giải đấu bóng đá đỉnh cao nào trên thế giới, các trận derby (cùng thành phố hay khu vực) đem lại màu sắc rất đặc biệt, thậm chí nó còn là hình ảnh, biểu tượng của giải đấu. Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam, sắc màu của derby đã biến mất trong ít nhất 20 năm (2002-2022, từ thời điểm mà Cảng Sài Gòn, Hải Quan và CATP.HCM đồng loạt giải thể, hoặc thay đổi phiên hiệu), cho đến khi CAHN xuất hiện, cùng với Thể Công Viettel và Hà Nội FC tạo nên những trận thư hùng.
V-League cần nhiều hơn những trận cầu chất lượng như cuộc đụng độ giữa Hà Nội FC và CAHN vừa rồi, để nâng các giá trị về mặt thương mại, quảng bá. Những đôi chân triệu đô của ít nhất 2 đội bóng này cũng cần phải ý thức được điều đó, bởi suy cho cùng, cầu thủ được trả giá cao là để phục vụ. Bóng đá vị thành tích, song cơ bản nó cũng có xuất phát điểm như một ngành giải trí mà thôi.
Chỉ là hơi tiếc khi tiền thu về từ bán vé ở trận này (và nhiều trận đấu khác của các đội bóng chủ sân Hàng Đẫy) lại chẳng là bao so với chi phí hoạt động của CLB.