Hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023): Để văn hóa thực sự trở thành một mặt trận
Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển diễn ra vào 27/2. Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn Lịch sử" diễn ra vào tối 28/2.
Đó là những sự kiện trọng tâm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cùng các Ban, Bộ, ngành, địa phương tổ chức.
1. Tại buổi giới thiệu các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) được tổ chức sáng 22/2, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Trong 80 năm qua, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam do cố Tổng Bí thư Trường Chinh khởi xướng, đã cho thấy lần đầu tiên có một bản đề cương mang tính cương lĩnh, xác định con đường phát triển của văn hóa Việt Nam với một nền tảng lý luận chặt chẽ, hệ thống và các nguyên tắc hành động vào thời điểm năm 1943 khi đất nước đang phải đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức.
"Đây là bản đề cương đã tạo ra một sự khởi động, một sự đột phá cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam" - bà Phương nói - "Cho đến nay, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, tinh thần của bản đề cương đã tạo ra những sự chuyển động, sự thay đổi và phát triển của văn hóa Việt Nam càng ngày càng hướng tới sự phát triển bền vững".
Cũng theo bà Phương, trong bối cảnh hôm nay, chúng ta đang đối diện với nhiều tiềm năng và cơ hội. Ví dụ, chúng ta sở hữu truyền thống văn hóa 4.000 năm với rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, với rất nhiều giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Chúng ta cũng đang có cơ hội là thời điểm dân số vàng với những người trẻ có khả năng chuyển hóa được những giá trị văn hóa truyền thống với sức sáng tạo và khoa học công nghệ. Tất cả sẽ tạo ra một diện mạo mới để một lần nữa văn hóa trở thành một mặt trận.
Và, vấn đề "để văn hóa thực sự trở thành một mặt trận" cũng chính là tinh thần chủ đạo của Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển diễn ra vào 27/2 sắp tới.
Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định thêm: Nếu khi xưa cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng khẳng định văn hóa là một mặt trận ngang hàng với chính trị và kinh tế, thì ngày nay văn hóa cũng cần thực sự trở thành một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Văn hóa chính là nguồn mạch để phát triển đất nước theo hướng bền vững hơn. Đó cũng chính là một trong những cách mà chúng ta có thể phát huy được nội lực và sức mạnh của văn hóa Việt Nam, để văn hóa Việt Nam trở thành một sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng thể quốc gia, giúp định vị được sức mạnh của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
2. Đến nay Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển đã nhận được hơn 150 tham luận. Nội dung hội thảo sẽ chia thành 2 phiên gồm: Phiên 1 - "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam"; Phiên 2 - "Văn hóa, con người Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới".
Đặc biệt, tại phiên 2, theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, hội thảo sẽ không né tránh những vấn đề "nóng" của văn hóa đương đại. Cụ thể, những ý kiến, trao đổi sẽ tập trung coi văn hóa là một mặt trận.
"Nếu văn hóa là một mặt trận thì chúng ta phải có một sự đầu tư cho mặt trận đó, để biến văn hóa thực sự trở thành một mũi nhọn, một trụ cột trong phát triển kinh tế, chính trị và xã hội, để văn hóa thực sự trở thành "ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi" - bà Phương nhấn mạnh - "Trong phiên thứ 2, chúng tôi sẽ tập trung vào những giải pháp mang tính liên ngành. Bởi, câu chuyện phát triển về văn hóa không phải câu chuyện của riêng ngành văn hóa mà ở đây là sự phối hợp đồng bộ, là sự trách nhiệm của toàn toàn xã hội".
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho biết thêm, sau các phiên chính thức của hội thảo, sẽ diễn ra thảo luận bàn tròn. Các thảo luận sẽ xoay quanh những vấn đề về giải pháp để có thể phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn tới.
Ví dụ: Chúng ta sẽ phải làm gì để văn hóa được trở thành một trụ cột của sự ưu tiên. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu văn hóa được đầu tư tối thiểu là 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Vậy cần làm gì để văn hóa có thể đạt được ít nhất ngưỡng đầu tư như vậy? Trong đó, rất cần có những giải pháp liên quan đến vấn đề thể chế, đặc biệt là liên quan đến các hợp tác công - tư hay luật về thuế, cũng như những vấn đề ưu đãi cho nghệ sĩ, vấn đề tạo ra sự dịch chuyển về sự sáng tạo trong chuỗi của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
3. Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định rằng "văn hóa cần phải được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn thì mới có thể hướng tới sự phát triển bền vững". Viện trưởng Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: "Chúng ta được coi là một trong không nhiều những quốc gia giàu có các nguồn tài nguyên văn hóa. Nhưng cho đến nay đóng góp từ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam mới chiếm 3,61 % GDP, chỉ bằng trung bình với thế giới".
"Vậy, điều gì khiến cho văn hóa chưa thực sự phát huy được chính thế mạnh của mình? Điều gì khiến đề cương văn hóa đã đưa ra một mục tiêu là phát triển nền văn hóa tân dân chủ thể hiện với tinh thần dân tộc, tinh thần khoa học, tinh thần đại chúng để chúng ta có thể định vị được văn hóa Việt Nam với thế giới? Câu hỏi đó, mục tiêu đó, nguyên tắc đó vẫn còn nguyên giá trị" - bà Phương đặt vấn đề - "Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần thảo luận, chúng ta phải bằng trách nhiệm của chính mình để tìm ra câu trả lời".
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương đặc biệt nhấn mạnh, Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển" là sự tâm huyết và trách nhiệm của những người đang thực sự muốn văn hóa trở thành một mặt trận.
Bà Phương kỳ vọng: "Quan điểm của chúng tôi đưa ra, nếu đã coi văn hóa là một mặt trận thì phải chiến đấu trên mặt trận đó. Muốn chiến đấu được, muốn trở thành trụ cột được thì phải tập trung sự ưu tiên, tập trung kích hoạt sự phát triển cho văn hóa. Đây không phải là câu chuyện của riêng ngành văn hóa. Các vấn đề được đặt ra tại hội thảo này sẽ tạo ra một sự chú ý, hình thành nên một sự lan tỏa. Và, chúng ta sẽ có nhiều hơn những giải pháp tập trung vào việc đầu tư cho văn hóa và tối ưu hóa các nguồn lực để văn hóa thực sự trở lại trở thành một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội".