Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân: Đài truyền hình đâu rồi?
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, vụ việc “đưa đầu vào cầu tiêu” sôi sùng sục trên công luận, nhưng bão công luận dù có dữ dội đến mấy, nó cũng sẽ tan. Vấn đề đặt ra là hàng trăm bài báo trong một thời gian chỉ vài ngày, cuối cùng chúng mang lại điều gì thiết thực cho đời sống showbiz?
- Hương Giang Idol vô lễ với nghệ sĩ Trung Dân: Minh Nhí, Thanh Thủy... đau
- Khán giả ngán ngẩm các ‘trò lố’ của Hương Giang Idol trên truyền hình
- ‘Siêu sao đoán chữ’ nhảm và nhạt vẫn lên sóng, Hương Giang Idol bị 'cắt bỏ'
Trong những ngày qua đa số mọi người lên án ca sĩ Hương Giang, nhưng ngoài Hương Giang, những ai, đơn vị nào nữa phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này và chịu trách nhiệm cao nhất là ai?
Khi vụ việc diễn ra, nhà sản xuất đã khóa những tập “Siêu sao đoán chữ” trên YouTube- những tập đã phát sóng trên HTV7. Tuy nhiên, hiện nay thì mọi người có thể dễ dàng xem lại những tập này ở nhiều trang mạng khác nhau (không cần phải xem trên YouTube).
Gần đây, nhiều người ngạc nhiên với bài báo có tựa đề: “Hóa ra, gameshow Siêu sao đoán chữ lại nhảm nhí đến vậy”. Cần nói sơ qua rằng, tham gia“Siêu sao đoán chữ” gồm 6 tham luận viên (trong đó có Hương Giang) và 2 nghệ sĩ ở vai trò là người chơi. Sau mỗi câu hỏi, người chơi nào đưa ra ý trùng (hoặc tương đồng) với các tham luận viên, cứ một lần là được 50 điểm. Tổng kết ai nhiều điểm hơn sẽ là người thắng cuộc.
Xem những tập mà chương trình “Siêu sao đoán chữ” đã phát sóng, nhìn chung những câu hỏi của chương trình thường vô bổ, khán giả xem đài chẳng thu lượm được gì khi xem trò chơi này. 6 tham luận viên đưa ra ý kiến để điền vào chỗ trống bỏ lửngcủa câu hỏi thì rất “tự nhiên chủ nghĩa”, nhảm nhí và vụ việc Hương Giang - nghệ sĩ Trung Dân chỉ là giọt nước tràn ly, nó được xem là hậu quả đỉnh caocủa sự nhảm nhí này.
Khi sự việc xảy ra, công luận tập trung vào phát ngôn gây sốc của Hương Giang và phê phán, quy trách nhiệm cho cô, điều đó cũng không có gì sai, bởi Hương Giang là người gây nên chuyện ầm ĩ này.
Tuy nhiên, để dung dưỡng một chương trình nhảm nhí như vậy, cần phải nói đến trách nhiệm của nhà sản xuất và cái “tầm” văn hóa của đạo diễn chương trình - điều này thì hầu như chưa ai đề cập đến. Cũng có thể nhà sản xuất và đạo diễn chương trình biết điều đó, nhưng vì lợi nhuận kinh tế họ vẫn “nhắm mắt đưa chân” để chương trình tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, là một đài truyền hình, một phần chức năng, nhiệm vụ của đài là tạo ra những chương trình giải trí lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao thẩm mỹ cho công chúng, nhưng cánh cửa của đài đã không kịp khép để chặn lại chương trình nhảm nhí như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, Đài Truyền hình TP.HCM không hề có một tiếng nói trước công luận về sự cố vừa qua và về chương trình “Siêu sao đoán chữ” đã phát sóng trên đài của mình, làm như đài hoàn toàn vô can, trong lúc việc duyệt nội dung lên sóng là quyền tối thượng của nhà đài.
Kể cả khi rất nhiều báo đăng lại lời nói của nghệ sĩ Trung Dân nói tại trường quay: “Tôi không thể tiếp tục quay với một người vô văn hóa như thế này” (ý nói Hương Giang đưa ra ý kiến vô văn hóa), điều đó cũng không làm cho Đài Truyền hình TP.HCM “chạnh lòng” vì đã chấp nhận một người vô văn hóa (ít lắm là theo nghệ sĩ Trung Dân) ngồi trên sóng của đài mình suốt gần 2 tháng qua.
Để góp phần lập lại trật tự trong hoạt động giải trí hiện nay, các đài truyền hình cần nâng cao trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa, bởi truyền hình có tác động rộng lớn, mạnh mẽ đối với công chúng.
Qua sự việc vừa nêu trên, công luận có thể đặt câu hỏi: Trách nhiệm của Đài Truyền hình TP.HCM trong vụ việc này như thế nào khi đơn vị này mãi im hơi lặng tiếng…
Hải Long
Thể thao & Văn hóa