Hồng Ngát và những con sóng
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 9 năm kể từ tập thơ Cỏ thơm mây trắng, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam) mới cho ra đời Những con sóng (NXB Hội Nhà văn, 2021) hôm 23/4 vừa qua.
Tập thơ thứ 8 được đúc chắt, chưng cất từ vị mặn mòi của muối, của sóng, của biển… chứa đựng nhiều chiêm nghiệm, suy tư, lắng đọng của người đàn bà đã qua tuổi thất thập khó nén giấu những vui buồn, giông gió cuộc đời.
76 bài trong tập Những con sóng 101 trang được chia làm 2 phần: Gần gũi (58 bài) và Xa cách (18 bài). Xin được bắt đầu từ tên tập thơ - Những con sóng - nó đã chứa đựng bao thông điệp thay cho những lời muốn nói.
Nhà thơ của những con sóng
“Sóng bắt đầu từ gió” là hiện tượng tự nhiên trong câu thơ Xuân Quỳnh, đương nhiên. Nhưng có một con sóng khác, sóng trong thơ Hồng Ngát thiên hình vạn trạng, có lúc êm đềm, ào ạt, lại có khi âm ỉ tận đáy sâu... Có lẽ, chị đã tìm thấy đặc trưng trong sóng vật lý về chiều dài, chu kỳ, chiều cao, biên độ, độ dốc, năng lượng, vận tốc lan truyền... với những thông điệp cho thơ.
Hồng Ngát đã ám ảnh hình tượng sóng biển từ thời thiếu nữ khi mới chạm thơ, giăng mắc thơ “Từng đợt sóng chồm lên vùi xuống” (Biển), “Những vùng biển sâu sóng đập ồn ào” (Biển lặng)… để đến bây giờ quý bà tuổi Dần đã qua cái tuổi thất thập vẫn yêu con sóng biển đến quặn lòng.
Chị đã lý giải phần nào duyên cớ yêu biển, nặng lòng với con sóng. Ấy là vì “Biển rộng bao la nước xanh trong vắt/ Biển bao dung và rất rộng lòng/ Xoa dịu hết mọi nỗi buồn năm tháng” (Nha Trang ký sự thơ)…
Thơ Hồng Ngát là trái tim phụ nữ đập khắc khoải nhịp yêu. Thơ chị tự vấn và tự trả lời, chẳng chừa được cái thói đa cảm, đa mang, sống chân thành, yêu dữ dội… Hồng Ngát đã từng trải lòng yêu mê đắm, cuồng nhiệt đến đến từng giây, từng phút: “Đã yêu, yêu đến tận cùng/ Đã thương, thương đến hết lòng vì nhau”...
Cách đây 9 năm (2012), tôi dự lễ ra mắt tập thơ Cỏ thơm mây trắng của chị ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Chị tươi tắn, rạng ngời hạnh phúc đọc bài thơ tặng “người ấy” - bến đỗ bình yên cho chị sau bao giông gió. “Người ấy” đang trầm ngâm, lặng lẽ ngồi ở phía cuối phòng lắng nghe tiếng thơ chị: “Ta thuộc nhau như lòng bàn tay…/ Em không nghĩ lại thương anh đến thế/ Khi đi xa em chỉ có một mình/ Em cứ tưởng mình là người từng trải/ Thì có sao mọi việc sẽ quen dần/ Nhưng không phải, rất khó quen anh ạ/ Bát cơm bưng vẫn cứ phải có nhau”.
Ở tập thơ Những con sóng, chị có 2 bài thơ viết riêng tặng anh - Con đậu con bay, Ngôi nhà nơi anh đã sinh ra - với lời đề từ rất dễ thương “Gửi Hân - PHG”. Không khó để nhận thấy sự chân thật trong thơ chị về một chút “khang khác” giữa chị và “người ấy”: “Con bay yêu trời thẳm” và “Con đậu thích ở nhà”. Khi “Con bay yêu trời thẳm, Con bay bay mải miết”… thì con đậu “Quẩn quanh bên chiếc tổ/ Cửa đóng với then cài/ Ngóng con bay dài cổ/ Lụi cụi đêm lại ngày” và một ngày thấy cánh đã mỏi “Lại tìm về cùng tổ” (Con đậu con bay)…
Con sóng nghĩa tình
“Người ấy” là bờ vai ấm, là người đồng cảm với chặng đường không ít giông tố của người đàn bà 3 con. Và “người ấy” như chị nói vui chính là người “cấp giấy phép con” cho phần “Xa cách” của tập Những con sóng. 18 bài thơ viết từ năm 1981-1982 tại thành phố Kiev (Ukraine) giữ cho riêng mình, lần đầu tiên công bố như một nén hương muộn mằn tưởng nhớ một nhà thơ nổi tiếng đã đi xa.
Cũng gần 20 năm nay, chị lặng nén ẩn ức, “sống chung” cùng giai thoại, dị bản thật khó tỏ bày và lúc này là thời điểm tiện công bố và “bạch hóa” nỗi niềm đã âm thầm chịu đựng.
Phần “Xa cách” về chuyện tình một thời đã xa, cái thời “đau răng trong trái tim”, yêu đến thổn thức, nhớ ào ạt mê say bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào: “Đêm xuống khi mọi người đã yên giấc ngủ/ Em dường như vẫn thấy được tim mình/ Đập từng nhịp một cô đơn/ Hao gầy như bóng nắng” (Trò chuyện cùng anh).
Vào mùa Hè đầu tiên đi lao động trên công trường, lúc giải lao chị nhớ về anh “Gặp rừng lại nhớ đến anh/ Nhớ ngày xưa ấy long lanh mắt nhìn/ Một năm xa vắng lặng im…”. Đây là một trong những bài thơ có tiêu đề dài nhất Vào mùa Hè đầu tiên đi lao động trên công trường lúc giải lao em viết cho anh (17 âm tiết) và tác giả “lỡ tay” kéo dài cho câu “lục” thành câu “thất” “Ơi mùa hè Nga chiều lại chiều/ Sao tôi cứ nghĩ rất nhiều về anh”.
Nhưng rồi chạm bài thơ Trả duyên tôi nghèn nghẹn cảm xúc. Chị đã viết không thể thật hơn về người đàn ông đầu tiên đã mang đến cho chị dấu yêu thời tuổi trẻ và nhất là đã tặng chị niềm hạnh phúc làm mẹ - người mẹ của 3 con.
Đạo lý nghĩa tử nghĩa tận của người Việt thấm thía là thế. Thời gian dẫu chỉ “Bảy năm đầu đời” và triền miên“36 năm không đi cùng nhau”, có thể “Hôm anh mất/ Em không thể khóc” vì “đã khóc hết rồi”, nhưng chị đã đến với niềm cảm thông đã 7 năm chồng vợ “tay ấp má kề”, đã có“Ba mặt con ra đời” rằng đường đời “Mỗi người mỗi ngả/ Xa - đã quá xa…/ Bao người đàn bà/ đến tiễn anh trong ngày anh mất/ Người đàn bà cuối cùng - kết thúc/ Một cuộc đời như một cuộc chơi”.
Thơ của người đàn bà từng trải đầy bao dung - bao dung với cả những điều làm cho mình trái ngang, đau đớn…
Sóng Trường Sơn và sóng ào ạt nơi qua
Năm 1965, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt ở miền Bắc, cô gái tuổi trăng tròn (sinh năm 1950) khăn gói từ Hưng Yên lên Hà Nội học Khoa Diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (năm 1980, sáp nhập với Trường Điện ảnh Việt Nam thành Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Cảm xúc ấy vẫn theo chị suốt hành trình thơ “Hà Nội của tôi ơi/ Khi tôi đến với Người cổ còn quàng khăn đỏ” (Viết cho các con và Hà Nội hôm nay). “Đêm Hà Nội phập phồng nhịp thở/ Đèn muôn màu rực sáng Hồ Tây… Nghe vọng tiếng bước chân dập dồn cầu Long Biên thuở trước” một Hà Nội dấu yêu “Làm sao ta ngủ được cho đành”.
Khởi đầu từ diễn viên, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chị đã tích cực cùng Nhà hát Chèo đi biểu diễn phục vụ các chiến trường, đến với các chiến sĩ, đến với Trường Sơn. Cô văn công xinh đẹp nhìn gian khổ, khó khăn đầy chất thơ mộng mơ, lãng mạn: “Nhiều đêm ở rừng Trường Sơn/ Củi lân tinh lập lòe xanh thẳm/ Lại nhớ về con đom đóm ngày xưa/ Ôi mẹ thân yêu có biết bây giờ/ Con khôn lớn đã đi vào mặt trận/ Vẫn chẳng quên con đom đóm tuổi thơ/ Rừng xạc xào dưới ánh trăng khuya/ Đêm nay đom đóm có bay vào nhà ta không mẹ” (Đom đóm - 1968).
Trường Sơn hôm nay cũng có âm thanh của trống, chuông, nhưng là chuông trống “thỉnh” đồng đội cũ trở về: “Em đánh ba hồi trống/ Em đánh bẩy tiếng chuông/ Thỉnh các anh về”…
Sóng bạc đầu dào dạt tuổi 70
Sống ở Thủ đô, mỗi lần ngang qua Hãng phim Truyện Việt Nam - nơi chị đã từng công tác - trong cảm xúc thương nhớ ngày xưa của một thời vàng son: “Mỗi lần ngang qua ngõ/ Mắt chẳng dám nhìn vào/ Sợ tim mình lại đau/ Trước khu nhà xập xệ/ Đã hơn nửa thế kỷ/ Xưa nườm nượp bóng người/ Bao gương mặt rạng ngời/ Nay đã đi đâu cả// Ríu rít từng con chữ/ Long lanh từng thước phim/ Nụ cười và nước mắt/ Giờ ở đâu mà tìm” (Vàng son một thuở).
Mỗi lần đưa người thân bạn bè rời cõi tạm là mỗi lần xót đau về sự vô thường của cuộc sống “Đài hóa thân hoàn vũ/ Đời người thật mỏng manh/ Tàn tro trong phút chốc/ Oai chẳng để làm gì/ Dẫu đỉnh cao danh vọng/ Giàu nghèo rồi cũng đi” (Ghi ở nhà tang lễ). Trong bài thơ Quả thơm thì ở lại chị không khỏi bàng hoàng “Nhói đau tim muốn vỡ òa”.
Vào tuổi U70, thơ Hồng Ngát bỗng giật mình ngẫm ngợi “Một đời người quá ngắn/ Không đủ cho ta làm hết những điều ta mong/ Ta - con nhà nông dân/ quen tay cày tay cuốc” (Xuân về bên Hồ Tây). Rồi người đàn bà thơ tự bạch chân thành “Bảy mươi chưa lú lẫn/ Đầu óc vẫn tinh tường/ Nghĩ gì viết được nấy/ Là điều Trời còn thương” và lời nhủ khi đã đi qua bao giông bão “Trẻ rồi cũng sẽ già/ Đừng co chân đạp đổ/ Những tháng ngày đã qua” (Trời thương); “Ta chẳng phải là người tuyệt vời/ Để bao giờ và lúc nào cũng hoàn hảo… Ta chẳng giống ai/ Nên ta cứ tự đi trong đau khổ” (Buông).
Vào tuổi U70, chị bỗng giật mình “Gần một đời đang qua” và sự trải nghiệm để thấy “Quả thơm thì ở lại”. Thơ chị nhìn mọi sự đều có thể lý giải, chấp nhận, đi qua cảm xúc giật mình rằng mọi cái đều có thể “Chả có gì lạ đâu…Có vui buồn hờn giận/ Có nhớ và có quên/ Có xa xôi gần gũi/ Có yêu thương nhắn gửi/ Có hững hờ lạ quen” (Sấm và mưa tháng Ba); “Năm tháng cứ xếp chồng lên nhau/ Ngộp thở/ Từ một cô gái/ Rồi thiếu phụ/ Rồi người đàn bà/ Tóc đã hoa râm/ Ôi thời gian/ Không kịp nhớ - đã đêm/ Không kịp quên - đã sáng/ Tôi ơi” (Tìm xuân).
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng