Hòn đất mà biết nói năng…
(Thethaovanhoa.vn) - Cứ tưởng hành vi sai phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã dừng lại sau khi doanh nghiệp này nhận tội đầu độc biển miền Trung khiến cá chết hàng loạt.
- Phát hiện thêm điểm chôn 10 tấn chất thải của Formosa Hà Tĩnh ở Kỳ Anh
- Formosa chôn lấp 100 tấn chất thải: Vi phạm pháp luật về môi trường
Sau cá chết hàng loạt, lòng biển sâu dậy sóng vì bị bức tử, đến bây giờ mặt đất cũng phải cồn lên “tố cáo” họ. Một ống xả ngầm chôn sâu dưới mặt đất được Formosa lén đặt, nối từ bên trong nhà máy ra ngoài mương thoát lũ của phường Kỳ Phương, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Họ bị buộc phải đào ống ngầm lên cắt bỏ, giống như Vedan trước đó nhiều năm…
Rồi vụ Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh ký hợp đồng xử lý hàng trăm tấn chất thải cho Formosa nhưng đem vào chôn trong chính trang trại của ông giám đốc công ty môi trường này. Chất thải của Formosa còn được tìm thấy tại khu du lịch vừa mới kịp nổi lên là Thiên Cầm ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Chất thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh chôn lấp tại trang trại ông Lê Quang Hòa. Ảnh: TTXVN
Rồi 10 tấn chất thải của Formosa đã được đem trộn lẫn với đất mang về phường Sông Trí, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đổ trong... công viên. Và mới nhất, Công ty Môi trường đô thị xã Kỳ Anh đã ký hợp đồng đưa 145,5 tấn chất thải của Formosa về tận... đất tổ Vua Hùng Phú Thọ.
Cũng một vụ án khác: Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 9 bị can trong dự án nước sạch sông Đà, Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư.
Dự án được đầu tư nghìn tỷ, cụ thể là 1.450 tỷ đồng, nhưng từ tháng 2/2012 đến tháng 9/2015 đã bị vỡ 14 lần, người ta phải chi hơn 13,4 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục sự cố. Mặt đất sụt lún, đường ống vỡ toang, người dân mất nước sạch đã tố cáo hành vi của nhiều kẻ giấu mặt.
Còn nhớ, cách đây vài năm, chúng ta đã đề cập đến ý tưởng: để lại vật phẩm gì gửi tới con cháu nước Việt 1.000 năm sau? Hoàn toàn không phải câu hỏi mang tính tư duy trừu tượng, hay biện chứng duy vật to tát gì mà là những thứ rất thực tiễn, rất trực quan sẽ chôn xuống lòng đất gửi con cháu. Sau này, con cháu chúng ta sẽ khai quật lên để biết cha ông chúng đã làm gì, sống thế nào, ăn ở ra sao?
Người ta đã nghĩ ra muôn vàn ý tưởng về những thứ sẽ chôn xuống lòng đất là những vật phẩm “phản ánh” đời sống của chúng ta ngày nay và cả truyền thống ngàn năm qua nữa. Đó có thể là những cổ vật quý, những kiệt tác xưa nay, thậm chí là cái bút chì, điện thoại, đầu thu kỹ thuật số, máy tính, đĩa DVD... phản ánh cuộc sống hôm nay.
Nhưng hôm nay, thay vì những vật phẩm ý nghĩa như thế, thì lại đang có những có những “vật chứng” đau lòng bị chôn hoặc giấu dưới lòng đất, gây hại cả trước mắt và lâu dài cho con cháu về sau nếu không sớm bị phanh phui.
Còn bao nhiêu vụ nữa mà hòn đất chưa kịp lên tiếng?
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa