Lễ khởi động Giải thưởng Cống hiến 2023: Cần những đổi thay thức thời
Hàng năm, cùng với sự sôi động của thị trường âm nhạc, chương trình truyền hình, gameshow, liveshow… là các giải thưởng âm nhạc, các bảng xếp hạng ghi nhận, tôn vinh những đóng góp thiết thực của các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này.
"Điểm danh" về các giải thưởng âm nhạc diễn ra tại Việt Nam, hiện đang có khoảng trên dưới 20 cái tên, được tổ chức bởi nhiều đơn vị, từhội âm nhạc, đài truyền hình, đài tiếng nói, diễn đàn âm nhạc, mạng xã hội, các đơn vị báo chí…
Có những giải thưởng đã ra mắt từ năm 1995 như Mai vàng, năm 1997 như Làn sóng xanh, năm 2005 như Âm nhạc Cống hiến, nhưng cũng có những giải thưởng mới ra đời cách đây không lâu như Vinaphone Spin Awards, Keeng Young Awards, hoặc V Line Awards…
Sự ra đời của các giải thưởng về âm nhạc hoặc có hạng mục liên quan đến âm nhạc trong nhiều năm qua cho thấy nhu cầu tôn vinh các giá trị sáng tạo trong âm nhạc theo dòng chảy thời gian là luôn cần thiết. Chưa kể, hàng năm, sự thay đổi mang tính cập nhật ở mỗi giải thưởng hoặc sự xuất hiện của các giải thưởng mới cũng cho thấy bức tranh âm nhạc ngày càng đa sắc màu.
Những chuyển biến
Là một trong những giải thưởng có thâm niên,giải Mai vàng (do báo Người lao động tổ chức) cũng đã có những lần thay đổi về cách thức bình chọn, với vai trò ngày càng quan trọng của Hội đồng nghệ thuật.
Với Làn sóng xanh (do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức), cũng bắt đầu thay đổi mạnh mẽ từ năm thứ 21, cả tiêu chí bình chọn và các hạng mục đề cử. Năm 2018, giải thưởng có hội đồng bình chọn lên đến khoảng 250 thành viên.
Việc có thêm hội đồng bình chọn tại thời điểm này được cho là để đảm bảo góc nhìn chuyên môn trong bảng xếp hạng. Theo đó, hội đồng bình chọn và công chúng cùng tham gia đề cử và chọn ra những nhạc sĩ, ca sĩ, bài hát và một số hạng mục âm nhạc tiêu biểu, đảm bảo 2 yếu tố: Thị trường và nghệ thuật.
Zing Music Awards cũng là một trong những giải thưởng âm nhạc tạo được sự chú ý từ cộng đồng và giới chuyên môn. Ra đời từ năm 2010, giải thưởng có nhiều hạng mục với nhiều tiêu chí bình chọn, đối tượng bình chọn khác nhau.
Ví dụ như trong 2 năm đầu tổ chức, giải thưởng chỉ trao cho một hạng mục duy nhất là Nghệ sĩ của năm, thì đến năm 2012, các hạng mục được mở rộng với sự tham gia của Hội đồng nghệ thuật bình chọn và các nhà báo.
Từ năm 2013, giải thưởng phân loại hạng mục chi tiết hơn và do cộng đồng bình chọn như ở thể loại nhạc (pop/ballad, R&B/soul, rap/hiphop, âm hưởng dân ca, song ca, nhạc phim, pop/rock được yêu thích); nghệ sĩ (Nữ/Nam ca sĩ được yêu thích, Nam/Nữ ca sĩ có phong cách trình diễn ấn tượng, Nam/Nữ ca sĩ triển vọng, Nghệ sĩ Indie/Undergorund được yêu thích…). Ngoài ra, là các Top 10 trên số lượt nghe, download, phản hồi cao nhất bao gồm album, MV và ca khúc.
Năm 2022, Zing Music Awards không tổ chức giải thưởng mà chỉ công bố Top 10 nghệ sĩ, ca khúc xuất sắc của năm. Danh sách do hội đồng chuyên gia âm nhạc và truyền thông quốc tếvà trong nước tổng kết lựa chọn.
Đến những bảng xếp hạng thời 4.0
Với thời đại 4.0, việc lựa chọn các danh sách đề cử (theo hạng mục) ở các giải thưởng đang có nhiều thiên hướng được xác định bởi Top lượt nghe, xem trên các ứng dụng/kênh nghe nhạc. Sau đó, có thể được duyệt bởi hội đồng nghệ thuật (nếu có).
Ngay với BXH Billboard Việt Nam (có 2 hạng mục là Billboard Vietnam Hot 100 và Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs), hệ thống cũng sử dụng công thức tính điểm dựa trên lượt nghe trực tuyến. Trong đó, số lượt nghe trực tuyến được tính cho cả tài khoản mua (tải về có trả phí) và người dùng miễn phí trên các dịch vụ nghe nhạc.
Cũng dựa trên lượt nghe/xem nhưng YouTube lại có những tiêu chí riêng. Ví dụ, số lượt quảng cáo có trả tiền sẽ không được tính vào các BXH, các sản phẩm công bố phải là chính thức, nội dung có lời bài hát và do người dụng tạo chưa có bài hát chính thức. Ngoài ra, những bài hát xuất hiện trên bảng xếp hạng trong nhiều tháng mà không có lượng người xem tăng đáng kể có thể bị loại.
YouTube hiện đưa ra các bảng xếp hạng về âm nhạc như BXH Thịnh hành, BXH Bài hát hàng đầu (những bài hát có nhiều lượt phát hành nhất trên YouTube), BXH Nghệ sĩ hàng đầu (Những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trên YouTube), BXH Video nhạc hàng đầu (Những video nhạc được xem nhiều nhất).
Khán giả hay hội đồng "cầm cân"?
Nhận định về các hình thức tôn vinh âm nhạc Việt từ các giải thưởng, nhà báo Hà Sơn (báo VietnamNet) cho rằng mỗi giải thưởng đều có tiêu chí đánh giá riêng nên không có sự trùng nhau ở các hạng mục đề cử.
"Tuy nhiên, nhìn chung các giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam hiện nay đều phản ánh đời sống âm nhạc trong năm phong phú, cập nhật với thời cuộc, mới nóng và thịnh hành. Với các trang nghe nhạc online thì việc nghe nhạc của khán giả đôi khi một bài hát leo Top trend có thể do fan của ca sĩ kêu gọi nhau cày view nghe đi nghe lại, chứ thực sự chất lượng bài hát có hay, mới mẻ và lay động lòng người nghe hay không thì đôi khi vẫn là một dấu hỏi" - Hà Sơn nói.
Trong khi đó, nhà báo Mạnh Hà (báo Tiền phong) cho rằng có nhiều giải thưởng âm nhạc là một điều đáng mừng vì khó có một giải thưởng nào có thể thâu tóm hết các tiêu chí sáng tạo và không bỏ sót các đóng góp ở nhiều lĩnh vực.
"Song, không nên nhầm lẫn giữa các bảng xếp hạng- đơn thuần phản ánh thị hiếu, lựa chọn của một bộ phận khán thính giả trong một thời điểm - với các giải thưởng. Vì vậy mà các bảng xếp hạng như Làn sóng xanh phải cho khán giả bình chọn lại những bài hát được nghe nhiều trong năm, sau đó lại phải mời hội đồng nghệ thuật bỏ phiếu tiếp".
"Nếu giải thưởng chỉ căn cứ trên bảng xếp hạng đếm lượt nghe lượt xem sẽ dễ gây ra sự phiến diện trong nhìn nhận tổng thể về một nền âm nhạc. Điều cần khắc phục nữa ở một vài giải thưởng âm nhạc tại Việt Nam là sự thiên vị, dù là tự nhiên theo thị trường, ví dụ trong Nam. Vì vốn dĩ đây đã là nơi tập trung nhiều nghệ sĩ và có nhịp độ hoạt động âm nhạc gấp gáp hơn ngoài Bắc" - Mạnh Hà đánh giá.
Anh chia sẻ thêm: "Một giải thưởng âm nhạc uy tín cần có cái nhìn bao quát, kỹ lưỡng và đa dạng để kịp thời phát hiện, kích thích những sáng tạo, tâm huyết của các nghệ sĩ. Từ đó đem lại một cái nhìn đầy đủ về đời sống, thị trường và trở thành mẫu tham chiếu đáng tin cậy cho các giới làm nghề và khán giả. Muốn như thế nên có sự tham gia tích cực của một hội đồng chuyên môn ngay từ bước chọn lựa đề cử và bầu chọn".
Cống hiến và sự đổi mới
Là giải thưởng âm nhạc tôn vinh những thành tựu xuất sắc của âm nhạc đại chúng trong năm, giải thưởng Âm nhạc Cống hiến do báo Thể thao và Văn hóa(TTXVN) tổ chức đã trải qua 16 lần trao giải. Trong suốt 16 mùa đã diễn ra, giải đã không ngừng có những thay đổi theo từng thời điểm, thể hiện sự thức thời và cập nhật của mình trước những biến động mạnh mẽ trên thị trường âm nhạc.
Nhà báo Lê Xuân Thành (Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC Giải thưởng Cống hiến) cho biết:"Sau năm 2022 bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2023, Giải Âm nhạc Cống hiến sẽ trở lại với định dạng mới, tên gọi mới. Theo đó, giải có tên là Giải thưởng Cống hiến, nhằm tôn vinh các giá trị trên cả hai lĩnh vực âm nhạc và thể thao, vốn rất gần gũi với tên gọi, tôn chỉ, mục đích của đơn vị tổ chức là báo Thể thao và Văn hóa. Những nét đổi mới, sáng tạo của giải Cống hiến từ năm 2023 mang tính triệt để, tiên phong, rộng mở và phổ cập".
Có "n" thứ sẽ là lần đầu tiên ở Cống hiến 2023
Đây là khẳng định của nhà báo Lê Xuân Thành. Ông phân tích: "Đó là lần đầu tiên giải tôn vinh những thành tích, những cống hiến của những nhân vật hoạt động trong lĩnh vực thể thao, những người góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Lần đầu tiên trong danh sách đề cử, giải đưa phần bầu chọn của khán giả thông qua hệ thống phần mềm bầu chọn tinh vi, hiện đại và minh bạch của BVote Việt Nam vào phần tính kết quả chung, bên cạnh phần bầu chọn của các nhà báo như đã áp dụng gần 2 thập niên qua.
Ngoài trao cúp Cống hiến cho người chiến thắng tại các hạng mục đề cử, lần đầu tiên, BTC phối hợp với Công ty ByteNext tạo ra các chứng nhận NFT áp dụng trong công nghệ blockchain cho những người đoạt giải. Ngoài ra, công nghệ blockchain cũng được áp dụng cho các NFT tạo ra từ các hình ảnh, clip của những nghệ sĩ, vận động viên có tên tại các hạng mục bầu chọn của khán giả để từ đó, nghệ sĩ, vận động viên và khán giả có thể sưu tầm, lưu trữ, trao đổi các NFT này.
Ngoài lần đầu tiên lập Hội đồng chuyên môn cho các bầu chọn liên quan đến các hạng mục thể thao, BTC cũng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp báo chí và cũng là lần đầu tiên lập Hội đồng tư vấn gồm những thành viên độc lập có uy tín ở cả Hà Nội và TP.HCM cho các đề cử tại các hạng mục âm nhạc".