Hôm nay Ánh Viên thi 200m tự do: Bơi đi, đừng ngoái đầu lại...
(Thethaovanhoa.vn) - 2 lần vượt qua thành tích tốt nhất của chính mình và cũng là của cả khu vực Đông Nam Á, nhưng chừng đó là chưa đủ giúp Ánh Viên hoàn tất được mục tiêu vào chung kết nội dung 200m hỗn hợp trong khuôn khổ giải VĐTG đang diễn ra tại Kazan, Nga. Đơn giản vẫn còn một khoảng cách xa về chuyên môn...
Chẳng thể phủ nhận là sau kỳ tích 8 HCV cùng 8 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên được đặt kỳ vọng lớn hơn - vươn tới tầm châu lục, thậm chí là mơ về tấm huy chương Olympic lịch sử. Nhưng trước khi nghĩ đến những cái đích xa đó, thì lần tham dự giải VĐTG này chính là test chuẩn để nữ kình ngư số 1 Việt Nam cũng như khu vực biết được mình đang đứng ở đâu.
Bơi mới biết mình ở đâu...
Và xem ra 1 phần câu trả lời đã có ngay ở nội dung đầu tiên 200m hỗn hợp (ngày 2/8).
2 năm trước, Ánh Viên đã từng tham dự giải VĐTG tổ chức tại Barcelona và dù là VĐV Việt Nam có thành tích tốt nhất, nhưng cũng không đủ để vượt qua vòng loại. Vị trí cao nhất chỉ là hạng 19 chung cuộc nội dung 200m ngửa, còn lại là hạng 21 nội dung sở trường 400m hỗn hợp.
2 năm sau, với những bước tiến thần tốc, đặc biệt là từ thành công ấn tượng tại SEA Games 28, Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn đặt mục tiêu lớn hơn - Phấn đấu vào chung kết trong 3 nội dung tham dự gồm: 200m hỗn hợp; 200m tự do và 400m hỗn hợp.
Ở nội dung đầu tiên, 200m hỗn hợp, thành tích phá kỷ lục SEA Games 28 của Ánh Viên 2'13"53 chỉ kém thành tích giành HCĐ Olympic London 2012 có 4"58. Nội dung thứ hai, 200m tự do còn gần hơn khi tài năng trẻ Việt Nam chỉ thua Bronte Barratt, nữ kình ngư người Australia xếp thứ ba ở Olympic London có 3"46. Cuối cùng, ở nội dung 400m hỗn hợp khoảng cách tương tự là xa nhất - 9"97!
Những so sánh này cho thấy, việc đặt chỉ tiêu giành 1 suất vào chung kết trong 3 nội dung thi với Ánh Viên rõ ràng không phải là chuyện quá xa vời.
Chỉ có điều trên đường đua xanh, mọi con số chỉ là... con số! Ánh Viên 2 lần phá kỷ lục của chính mình với các thành tích 2'13"41 (vòng loại - thứ 16/39) và 2'13"29 (bán kết 1 - thứ 8/8) nhưng là chưa đủ để giành quyền vào bán kết, dù việc đứng trong top 16 thế giới cùng những nỗ lực cá nhân từ Ánh Viên là rất đáng khen ngợi.
... Và biết thêm nhiều đối thủ
Ngày hôm nay (4/8), Ánh Viên bước vào nội dung thứ hai với cự ly được kỳ vọng nhất 200m tự do. Tuy nhiên, cũng giống đường đua 200m hỗn hợp trước đó, có lẽ việc vào đến bán kết cũng là thách thức lớn với nữ kình ngư Việt Nam.
Kỷ lục SEA Games mà Ánh Viên đang nắm giữ 1'59"27 cũng là thành tích thấp nhất trong số 9 VĐV tham dự đợt bơi loại thứ 5. Điều này có nghĩa là nếu Ánh Viên không vượt qua được chính mình, cửa đi tiếp là cực kỳ hẹp.
Vậy thì mục tiêu nào lúc này mới là quan trọng với cô gái sinh năm 1996? Tiếp tục phấn đấu vào chung kết, hay thi đấu hết khả năng? Có lẽ là cả 2, bởi xét cho cùng thì lần tham dự giải VĐTG thứ hai này vẫn chỉ là cơ hội cọ xát, biết được khả năng của chính mình nhằm tiếp tục tìm hướng đầu tư tương lai cho Ánh Viên, chứ không hẳn là chuyện thành tích, thứ hạng.
Và không chỉ biết được chính mình, cũng từ đường bơi thế giới, Ánh Viên còn biết thêm được nhiều đối thủ thực sự của mình. Nếu như trước đây, đối thủ của Ánh Viên được nhắc đến nhiều nhất chỉ là Ye Shiwen (Trung Quốc), thì chỉ ở cự ly 200m hỗn hợp, đã "xuất hiện" thêm những: Kanako Watanabe, Sakiko Shimizu (Nhật Bản); Siobhan Haughey (Hong Kong, Trung Quốc) thành tích còn vượt trên.
Nếu nhìn vào những đối thủ này, thì rõ ràng, chuyện tìm kiếm huy chương dù chỉ ở tầm châu lục thôi cũng đã là bài toán khó. Và thêm một lần nữa, bài toán cũ về thông tin đối thủ lại được đặt ra không chỉ cho Ánh Viên mà cả với thể thao Việt Nam.
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa