Hội thảo khoa học 'Vai trò nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví, Giặm'
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/10, tại Nghệ An, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví, Giặm”.
Tham dự Hội thảo có: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương; Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Nghệ An; đại diện gia đình, dòng họ nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong; nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, biên kịch, họa sỹ, nhà nghiên cứu đã và đang công tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, sân khấu ở Trung ương và các địa phương.
Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929, tại xã Diễn Bình (huyện Diễn Châu), lớn lên ở xã Diễn Minh (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), nguyên là Phó Giám đốc Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Ông là nhà viết kịch nổi tiếng, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu, tham luận nhằm tôn vinh, làm rõ hơn những giá trị nghệ thuật mà nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong đã cống hiến cho nhân dân, cho nền văn nghệ nước nhà. Các tham luận, ý kiến phát biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ và nổi bật vai trò của Nguyễn Trung Phong đối với sự hình thành, phát triển của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và sân khấu kịch hát truyền thống; đánh giá, nhận diện các giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của các tác phẩm do ông để lại và nhân cách, con người nghệ sỹ của ông.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương khẳng định: Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã có đóng góp to lớn cho văn hóa nghệ thuật nói chung, cho nền kịch hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng. Với tài năng bẩm sinh, Nguyễn Trung Phong đã cho ra đời nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại như cải lương, chèo, hoạt cảnh và kịch dân ca. Hơn 40 năm cống hiến cho ngành văn hóa xứ Nghệ, ông đã để lại hơn 30 tác phẩm góp phần vào nghệ thuật chèo và kho tàng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Từ một diễn viên, nhà biên kịch, nhà quản lý nghệ thuật cho đến khi về hưu, lúc nào ông cũng dành thời gian để sáng tác. Những tác phẩm của ông đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật trên sân khấu xứ Nghệ và sân khấu quốc gia vào những thập kỷ từ 60 - 80 của thế kỷ 20.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, khi đang làm việc, với cương vị Phó Giám đốc Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, Nguyễn Trung Phong luôn quan tâm phát triển và xây dựng phong trào văn nghệ địa phương. Với sân khấu chuyên nghiệp, ông có công gây dựng sân khấu chuyên nghiệp xứ Nghệ một cách có hệ thống, bài bản, góp phần tạo dựng cho những thế hệ kế tiếp một nền móng kịch hát dân ca vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Ngoài việc sáng tác, ông còn là người có công sưu tầm kho tàng dân ca cổ, nghiên cứu để làm mới những làn điệu cũ. Trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật cũng như làm công tác quản lý, nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong đã phát hiện, đào tạo, hướng dẫn cho rất nhiều thế hệ diễn viên, đã có nhiều học trò của ông thành danh.
Dấu ấn trong cuộc đời sáng tác của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là những tác phẩm để đời như vở chèo "Cô gái Sông Lam", vở kịch "Khi ban đội đi vắng" chuyển thể thành làn điệu "Giận mà thương" và nhiều vở kịch khác. Chính làn điệu "Giận mà thương" của Nguyễn Trung Phong là nền nhạc để nhạc sĩ Đỗ Nhuận dựa vào sáng tác ca khúc bất hủ "Trông cây lại nhớ đến Người". Những tác phẩm của ông đã đóng góp vào kho tàng dân ca xứ Nghệ để được UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể của nhân loại.
Trong tham luận của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Thanh Trầm cho rằng, Nguyễn Trung Phong là một cây bút lớn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cách mạng, đồng thời ông cũng là một trong những người đặt nền móng đầu tiên thử nghiệm đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào sân khấu kịch hát, hình thành nên kịch chủng sân khấu mới “Kịch hát Nghệ Tĩnh”.
Theo Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Nguyễn Trung Phong đã viết nhạc, viết kịch bằng bản năng, sự tài hoa nghệ sỹ bẩm sinh, những thẩm thấu văn hóa dân gian của làng quê xứ Nghệ và bằng tất cả những trải nghiệm sống của mình. Khi nói về Nguyễn Trung Phong với dân ca Nghệ Tĩnh, không thể quên được rằng trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình, ông đã đi từ Chèo đến Ví, Giặm. Ông hát Chèo rất hay và hát Ví, Giặm rất mượt. Những câu hát đã làm nên đời ông và đã lưu danh ông cùng Ví, Giặm với năm tháng.
Nhấn mạnh đến tư tưởng cách mạng trong tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Hồng Lựu cho rằng, thật hiếm có một tác phẩm nghệ thuật sân khấu nào được biểu diễn thường xuyên, liên tục trong gần suốt 60 năm qua trên sân khấu truyền thống xứ Nghệ như vở “Cô gái sông Lam” và cũng thật hiếm có một làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên nào hay hơn làn điệu “Giận mà thương” của tác giả Nguyễn Trung Phong. Chỉ với hai tác phẩm nổi tiếng và tiêu biểu đó, Nguyễn Trung Phong đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử sân khấu kịch hát truyền thống xứ Nghệ từ những năm 1960 đến nay. Với hai tác phẩm đó thôi cũng đủ làm nên một Nguyễn Trung Phong - nhà soạn kịch nổi tiếng, mãi mãi đi vào tiềm thức của người dân xứ Nghệ.
Ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đánh giá, dấu ấn lớn lao nhất của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong là ông đã sống trọn một đời cho đam mê nghệ thuật, để hôm nay, dù đã gần 30 năm từ ngày ông đi xa và chắc chắn còn lâu hơn nữa, những tác phẩm của ông vẫn được người đời nhắc đến, được biểu diễn; tên tuổi của ông vẫn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và công chúng trên sân khấu.
Hội thảo đã có nhiều đề xuất mới xác đáng, có giá trị liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trung Phong.
Theo ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, hội thảo này mới chỉ là bước khởi đầu để làm rõ và đặt Nguyễn Trung Phong vào một vị trí xứng đáng trong làng nghệ thuật. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm để đánh giá toàn diện, xác đáng tác giả, tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong trên các góc độ; Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Trung tâm bảo tồn dân ca Ví, Giặm cần quan tâm, dàn dựng lại các vở kịch, làn điệu do nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác; các địa phương quan tâm dàn dựng những vở kịch ngắn, tiêu biểu nhằm giữ gìn và phát huy rộng rãi dân ca Ví, Giặm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm, chỉ đạo huyện Diễn Châu tạo điều kiện xây dựng không gian nghệ thuật dân ca Ví, Giặm gắn với Nhà tưởng niệm nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong tại quê hương; tổ chức sưu tầm, biên tập, xuất bản các tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, coi đây là công việc quan trọng nhằm phục vụ công tác giữ gìn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm; đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An phối hợp với các cơ quan chức năng và gia đình hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước đối với nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, người đã có công lao đóng góp quan trọng để Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Trước đó, vào tối 18/10, tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.
Nguyễn Văn Nhật/TTXVN