Niềm vui của người dân xứ Nghệ khi dân ca Ví, Giặm được vinh danh
Nghệ nhân Nguyễn Thị Giang 81 tuổi ở thôn Thống Nhất xã Phù Việt, huyện Thạch Hà phấn khởi cho biết: Mấy ngày qua, những thành viên trong câu lạc bộ dân ca Ví, Dặm của xã đều khấp khởi chờ tin. Hôm nay, nghe tin làn điệu dân ca Ví, Giặm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chúng tôi mừng lắm, vui lắm.
Ngồi trên chiếc chõng tre nhỏ, bà Nguyễn Thị Giang vừa đan nón vừa hát cho chúng tôi nghe những làn điệu Ví, Giặm cổ, tuy tuổi đã nhiều nhưng tâm hồn bà như đang trẻ lại. Bà kể, trong nhà có đứa cháu nội đang học lớp 12 trường THPT, cháu thường thổi sáo cho tôi hát, được nhiều người khen hay. Bà cũng dạy cháu hát những làn điệu cổ và luyến láy những câu hò cho mượt mà.
Biểu diễn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ
Đến thăm xã Phù Việt, đi trên con đường làng được bê tông hóa sạch sẽ, trong không khí náo nức đón chào ngày điệu dân ca Ví, Giặm được vinh danh, các nghệ nhân, ca nương trong câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã đang tập hát, tập đàn để chuẩn bị cho hội diễn toàn xã. Anh Nguyễn Công Bằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Phù Việt cho biết: Khi nghe tin làn điệu dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mọi người trong câu lạc bộ mừng lắm. Đây là động lực để chúng tôi nỗ lực tập luyện cho hội diễn vào ngày 8/12 tới.
Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Phù Việt có 15 người, trong đó có 3 người đã trên 80, người trẻ nhất là 18 tuổi. Thành lập năm 2012, hàng tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt đều đặn. Những buổi sinh hoạt như vậy, các nghệ nhân nhiều tuổi truyền dạy từ làn điệu đến giọng hò cho hế hệ trẻ. Với không gian diễn xướng gần gũi với thiên nhiên từ sinh hoạt đến sản xuất, các nghệ nhân sử dụng câu hò đối đáp như là hoạt động hàng ngày để giáo dục con cháu hay ca ngợi quê hương, làng xóm.
Không chỉ xã Phù Việt mà hàng vạn người dân Hà Tĩnh đều phấn khởi trước việc UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm - một hình thức diễn xướng được người dân xứ Nghệ bảo tồn và lưu truyền trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Anh Nguyễn Công Trình, Chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà chia sẻ: Cả gia đình tôi thường xuyên hát dân ca. Việc làn điệu dân ca Ví, Giặm được vinh danh và bảo tồn thực sự là một điều vinh hạnh và đáng trân trọng.
Hiện nay, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có trên 50 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm với gần 1.000 nghệ nhân cùng rất đông người tham gia sinh hoạt ở 259 làng, thôn, xóm, khu dân cư. Các câu lạc bộ đã dần hoàn thiện về tổ chức và hoạt động thường xuyên trong cộng đồng. Nhiều câu lạc bộ có thành tích nổi bật như câu lạc bộ Thạch Châu, Cẩm Mỹ, Thạch Thanh, Cương Gián, Phù Việt (Hà Tĩnh); Hồng Sơn, Ngọc Sơn, Hoàng Trù, Nghi Trung, Phúc Thành (Nghệ An)... Các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (Nghệ An) và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (Hà Tĩnh) đã trực tiếp xuống cơ sở, tham gia truyền dạy cho các câu lạc bộ nhằm bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm. Là sản phẩm văn hóa phi vật thể có giá trị rất đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ, dân ca Ví, Giặm xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc trong sinh hoạt, đời sống thường ngày.
Theo ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, để bảo tồn di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm, Sở đã thành lập các câu lạc bộ, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để các nghệ nhân nhiều tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ, qua đó gìn giữ những tinh hoa trong các làn điệu dân ca cổ. Sở cũng tổ chức các đợt thi, hội diễn, lưu diễn dân ca Ví, Giặm ở các địa phương để phát huy giá trị văn hóa truyền thống vốn có.
Với việc UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã trở thành động lực, tiếp thêm nguồn sinh lực để làn điệu dân ca Ví, Giặm mãi lan rộng trong lòng dân tộc.