Hội đồng HLV quốc gia: Thực tài và thực quyền
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện thất bại của đội U22 Việt Nam tại SEA Games 29, vai trò của VFF và Hội đồng HLV quốc gia như thế nào trong thất bại này một lần nữa được khoét sâu khi “vết thương còn chưa lành” với những phát biểu và phản ứng của HLV Nguyễn Hữu Thắng và những người có liên quan, trong đó, Hội đồng HLV quốc gia được “điểm mặt, chỉ tên”.
- Bầu Đức đòi dẹp Hội đồng HLV quốc gia, U16 Việt Nam sẵn sàng cho giải châu Á
- Hữu Thắng phản bác Hội đồng HLV quốc gia, HLV HAGL chê học trò
- HLV Lê Thụy Hải: 'Phải trao quyền cho Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia'
Đã hơn một lần và không phải cho đến thời HLV Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam cùng U22 Việt Nam, cụm từ hữu danh vô thực được những người ác ý hay thiếu thiện chí gắn mác cho Hội đồng HLV quốc gia.
Nào là Hội đồng HLV quốc gia không có thực quyền hay hầu như không góp ý đến các vấn đề chuyên môn của bóng đá Việt Nam nói chung, các đội tuyển quốc gia nói riêng, hoặc có góp ý thì cũng không mấy được lưu tâm. Nói như vậy chưa chắc đã đúng. Ai bảo Hội đồng HLV quốc gia bao gồm những người không có nhiều kiến thức chuyên môn.
Từ Chủ tịch Nguyễn Sỹ Hiển cho tới các Ủy viên như Phan Thanh Hùng, Mai Đức Chung đều đã và đang làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia, gắn bó và hiểu biết về bóng đá Việt Nam – V.League suốt một thời gian dài. HLV Lê Huỳnh Đức đã hơn một lần được đánh giá là ứng cử viên cho vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam còn đại diện của bóng đá nữ Đoàn Thị Kim Chi cũng từng đưa TP.HCM lên ngôi vô địch bóng đá nữ quốc gia và có một thời gian làm trợ lý cho chính HLV Mai Đức Chung ở đội tuyển bóng đá nữ quốc gia.
Họ đều là những người có chuyên môn cả đấy, trưởng thành từ cầu thủ cho tới HLV, có một sự nghiệp đáng nể ở địa hạt bóng đá của mình. Chỉ có điều, khả năng chuyên môn của họ chưa được thể hiện đúng chỗ, đúng thời điểm ở Hội đồng HLV quốc gia.
Thành thực mà nói, ý kiến của Hội đồng HLV quốc gia thể hiện rõ rệt nhất khi VFF mở cuộc tìm kiếm, tuyển chọn HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia với việc đưa ra các tiêu chí, tư vấn cho Thường trực VFF đưa ra quyết định khi rút gọn danh sách các ứng viên.
Hay như khi đội tuyển không may gặp thất bại, những cuộc họp mổ xẻ, rút kinh nghiệm, sự xuất hiện của Hội đồng HLV quốc gia là không thể thiếu với Chủ tịch Nguyễn Sỹ Hiển là đại diện tiêu biểu. Nhưng người hâm mộ, dư luận cần nhiều hơn thế ở các thành viên của Hội đồng HLV quốc gia, dù rằng, nói như ông Nguyễn Sỹ Hiển trên một tờ báo cách đây ít ngày: chúng tôi chỉ là những người tham mưu còn việc thực hiện là nhiệm vụ và quyền của HLV trưởng. Vào giải đấu hay trên sân đấu, HLV trưởng là người có quyền quyết định cao nhất.
HLV Nguyễn Hữu Thắng có ý trách Hội đồng HLV quốc gia chỉ tích cưc đưa ra các ý kiến phản biện, quy trách nhiệm khi đội tuyển U22 Việt Nam bị loại từ vòng bảng SEA Games 29 còn trước đó, trong quá trình chuân bị cho giải đấu, không có ai đóng góp hay tư vấn gì.
Nhưng như hợp đồng đã ký, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng là người có toàn quyền quyết định các vấn đề chuyên môn của đội tuyển, thắng thì được nêu tên, thua cũng sẽ được nhắc đến, dù không mong muốn. Khi ấy, Hội đồng HLV quốc gia không thể đứng ra nhận trách nhiệm thay cho HLV trưởng được, cũng không thể cầm tay, chỉ việc trong từng trận đấu cụ thể.
Sự thiếu quyết liệt trong góp ý, tư vấn có thể coi là hạn chế của Hội đồng HLV quốc gia nhưng chỉ khi nào, tiếng nói của Hội đồng được VFF và chính HLV trưởng đội tuyển coi trọng thì khi ấy tài năng của các thành viên Hội đồng này mới được phát huy một cách tối đa, tránh tình trạng ngồi cho đủ chỗ, xếp đủ mâm, họp xong tất cả lại về.
Lâm Chi