Hội chọi trâu được yêu cầu ngừng tổ chức: Phải đi tìm… truyền thống
(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan tới lễ hội chọi trâu của tỉnh Phú Thọ, văn bản mới nhất của Bộ VH,TT&DL vừa được công bố vài ngày trước.
- Tổ chức động vật châu Á lại kêu gọi chấm dứt lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
- Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Những cú hổ lao, cáng hầu, móc hàm kinh điển trong sới chọi
- TRỰC TIẾP từ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: 'Ông' trâu mệnh danh 'vua lỳ lợm' lên ngôi
Theo văn bản ấy, Hội chọi trâu Phù Ninh (huyện Phù Ninh) được yêu cầu ngừng tổ chức – nếu không đủ các tài liệu để chứng minh đây là lễ hội truyền thống, đồng thời việc tổ chức lễ hội chưa mang lại những giá trị giáo dục truyền thống văn hóa cho cộng đồng.
Thực tế, hàng loạt hội chọi trâu trên toàn quốc vẫn luôn là điểm nóng của mỗi mùa lễ hội trong những năm gần đây. Đó là những lộn xộn từng được ghi nhận về tình trạng thương mại hóa, cờ bạc trá hình, hay thậm chí là an toàn tính mạng của những người trong cuộc – khi tai nạn chết người từng xảy ra tại hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.
Thậm chí, đã có những ý kiến khá gay gắt, rằng những lễ hội chọi trâu truyền thống đã đến lúc cần được dẹp bỏ, bởi đó là một hủ tục dã man và cổ súy cho bạo lực.
Để rồi, sau hàng loạt khuyến nghị từ ngành quản lý, cũng như áp lực từ dư luận, những lễ hội chọi trâu cũng đã được chỉnh đốn lại phần nào. Đơn cử, vào đầu năm 2018 này, chính lễ hội chọi trâu Phù Ninh cũng đã được ghi nhận là có nhiều tiến bộ trong khâu tổ chức, khi lễ hội mở cửa rộng rãi cho du khách (thay vì bán vé), hạn chế nạn cá cược và khuyến khích các chủ trâu không mổ bán thịt trâu chọi sau trận đấu một cách tràn lan.
Thế nhưng, văn bản mới của Bộ VH,TT & DL không còn dừng ở những câu chuyện về tổ chức, mà chạm tới những câu hỏi khác: nguồn gốc, cũng như giá trị thật sự của nó với khán giả bây giờ.
***
Gián đoạn rất lâu trong quá khứ, cột mốc quan trọng của các lễ hội chọi trâu diễn ra vào năm 1990, khi hội chọi trâu Đồ Sơn lần đầu được khôi phục. Để rồi, trong gần 30 năm kể từ thời điểm ấy, đã có gần một chục lễ hội chọi trâu khác xuất hiện, tại Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Bình Phước, Tuyên Quang....
Một phần lớn trong số đó được cho là vốn không có sẵn lễ hội chọi trâu truyền thống, hoặc chỉ được nhắc tới trong truyền thuyết địa phương một cách rất mù mờ. Vậy nhưng, sức hấp dẫn du khách của loại hình này vẫn khiến các lễ hội chọi trâu liên tục được đề xuất tổ chức. Tới mức, như nhận xét của đại diện ngành văn hóa trong cuộc họp tổng kết mùa lễ hội 2018, nếu phía quản lý không kiên quyết thì có lẽ, cả nước đã... bùng nổ hội chọi trâu.
Thậm chí, như nhận xét của một số chuyên gia văn hóa, dù có thể từng được tổ chức trong lịch sử, việc khôi phục lại một số lễ hội chọi trâu vẫn là vô nghĩa, nếu chúng đã mất đi những "hạt nhân" truyền thống của mình.
"Hạt nhân" ấy là một hệ thống vô cùng phức tạp với những tục hèm, giao yết, đại tế, rước, trò chơi dân gian hay các diễn xướng liên quan tới sự tích vị thánh được thờ... để hội chọi trâu tại mỗi địa phương có một màu sắc riêng.
Đó không chỉ là bản sắc của từng cộng đồng cụ thể - để không phải hội chọi trâu nào cũng... giống hội nào. Hơn thế, những nghi thức ấy chính là sự khái quát hóa của lớp văn hóa phi vật thể được tích tụ trong quá khứ, quanh diễn xướng chọi trâu.
Bởi, xét cho cùng, chọi trâu chỉ có giá trị, khi những lớp nghĩa kèm theo nó làm làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của cộng đồng. Không có nó, hoặc đã có mà để mất đi, những lễ hội chọi trâu xuất hiện trong xã hội hiện đại chỉ còn là nơi để người ta giải trí.
Có nghĩa, câu hỏi về truyền thống từng có của một lễ hội chọi trâu, cũng như câu hỏi về tác động tích cực của nó tới cộng đồng lại có liên hệ mật thiết với nhau.
Đi tìm truyền thống của một lễ hội chọi trâu chưa đủ. Truyền thống ấy vẫn là vô giá trị, nếu người ta không biết cách tuyên truyền, giới thiệu, đưa những lớp nghĩa tích cực của nó tới người xem ở cuộc sống hôm nay.
Sơn Tùng