Học người Nhật bỏ phố về quê: Hoà mình vào thiên nhiên nhưng không quên kiếm tiền, sống thảnh thơi nhưng vẫn phát triển bản thân
Bỏ phố về quê đang trở thành trào lưu phổ biến ở giới trẻ. Tưởng chừng lối sống này chỉ cần rời khỏi thành thị, về nhà trồng rau nuôi cá là đã có thể thảnh thơi mỗi ngày. Song, cuộc sống chưa bao giờ là đơn giản nếu như bạn không biết cách tạo ra thu nhập và phát triển bản thân ở chính nơi làng quê yên bình.
Không ít người Nhật đang kiệt sức vì làm việc nhiều giờ và quản lý các mối quan hệ tại công ty. Họ khao khát lối sống thoải mái hơn, không phải lo lắng về deadline và hiệu suất công việc.
Giống như Kaneko và Abe, nhiều người đang rời bỏ thành phố đầy áp lực để về quê theo đuổi lối sống tự cung tự cấp và làm nông quy mô nhỏ.
Theo đó, do cảm thấy không thể tiếp tục làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với mức độ căng thẳng cao, Katsuhiko Kaneko (43 tuổi) quyết định trở về tỉnh Saitama - nơi cha mẹ anh sinh sống.
Tại đây, Kaneko mở Rakuya, một minshuku (quán trọ nhỏ), nép mình trong khu rừng với vài hàng xóm xung quanh. Kaneko cùng vợ là Yuka Abe (28 tuổi) đang cố gắng tự túc hết mức có thể mà không cần phải bỏ nhiều công sức. Họ trồng nhiều loại rau và tạo ra các nhu yếu phẩm khác.
Tuy nhiên, cặp vợ chồng không đặt ra quy định nghiêm ngặt về khả năng tự cung tự cấp của mình. Họ cũng không muốn sống ẩn dật mà chỉ cố khiến cuộc sống bớt căng thẳng nhất có thể.
Trong khu vườn nhỏ, Kaneko và Abe nuôi 5 con gà mái lấy trứng, trồng đậu nành, cà chua, cà tím, củ cải daikon, gừng, cà rốt, cũng như gạo và lúa mì để tự cung cấp thức ăn hàng ngày.
Để bảo quản thực phẩm được lâu, hai vợ chồng làm bột đậu nành, cà chua và cà tím xay nhuyễn, củ cải khô, cà rốt ngâm chua. Họ cũng làm mì udon và bánh mì từ lúa mì.
Ngoài ra, Kaneko và Abe ăn các loại thảo mộc tự mọc trong vườn như cỏ đuôi ngựa, ngải cứu hay diếp cá.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học, Kaneko làm việc cho vài công ty trước khi bắt đầu theo đuổi nghề đầu bếp. Anh học cách sử dụng dao hocho Nhật từ nhà hàng sushi, chuẩn bị bữa sáng tại khách sạn ở Australia trước khi cùng bạn mở quán cà phê ở Hong Kong (Trung Quốc).
Trong những ngày tháng đó, Kaneko làm việc tới 17 tiếng/ngày. Sức khỏe của anh bắt đầu suy kiệt, thậm chí bác sĩ nói công việc quá tải có thể giết chết anh.
Cặp vợ chồng "bỏ phố về quê" không coi lối sống tự cung tự cấp là cách để tách biệt với xã hội.
"Có rất nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi phải làm việc nhiều giờ như tôi trước đây. Đạt được mức độ độc lập nhất định thông qua cuộc sống tự cung tự cấp sẽ mang lại cho bạn sự tự do", Kaneko nói.
Sự tự do mà anh đề cập tới, về bản chất là giá trị tinh thần hơn là vật chất. Vợ chồng Kaneko muốn chia sẻ tầm nhìn của họ về lối sống lý tưởng với mọi người và đã tìm thấy nền tảng để làm điều đó.
Ngày càng nhiều người Nhật Bản đủ lứa tuổi từ bỏ cuộc sống đô thị chật chội để về quê, tự trồng các loại lương thực và kết hợp làm những công việc họ ưa thích. Khái niệm này được gọi là "han-nō, han-X" (nửa nông, nửa X), do Naoki Shiomi, người bỏ việc ở Kobe năm 1999 về quê ở vùng núi Ayabe, phía bắc tỉnh Kyoto, đặt ra.
Ban đầu, ông xây dựng trang web và viết bài về lối sống mới của mình, sau đó xuất bản cuốn sách đầu tiên về chủ đề này năm 2003. Shiomi tạo ra cuộc cách mạng về lối sống, truyền cảm hứng cho người dân khắp Nhật Bản sắp xếp lại những ưu tiên cuộc đời và tạo ra thay đổi đáng kể trong đời sống, trong đó có trào lưu bỏ phố về quê.
"Khái niệm về han-nō, han-X bắt nguồn từ hai vấn đề: theo đuổi bền vững giữa những thách thức môi trường mà Trái Đất đang đối mặt, cùng câu hỏi về tìm kiếm sứ mệnh cuộc đời chính mình", Shiomi nói.
"Tôi tin rằng ý nghĩa lớn nhất của khái niệm này là giúp định hướng bằng cách khuyến khích người ta hướng đến tính bền vững, đồng thời thay đổi lối sống của họ".
Ý tưởng Shiomi đưa ra rất linh hoạt. Nông nghiệp có thể thực hiện ở mọi cấp độ, từ trồng trọt trên ban công căn hộ thành thị tới tự cung tự cấp lương thực hoàn toàn ở nông thôn. Chữ "X" bao gồm bất kỳ hoạt động nào tạo ra ra thu nhập.
Khi trận lũ tàn phá ngôi nhà của gia đình ở quê năm 2018, Alumi Senoo hiểu rằng đã tới lúc rời bỏ thủ đô Tokyo để về giúp mẹ.
Mẹ của Senoo sống một mình sau khi chồng qua đời vài năm trước tại Kurashiki, tỉnh Okayama, miền nam Nhật Bản. Sau trận lũ tàn phá tỉnh Okayama năm 2018, Senoo từ bỏ cuộc sống ở Tokyo về ở cùng mẹ, giúp bà dọn dẹp nhà cửa, trồng rau và tiếp tục làm công việc thiết kế đồ họa tự do ở căn phòng trước nhà, nơi ông bà ngoại từng mở hiệu thuốc phục vụ người dân địa phương.
Quyết định ấy giúp Senoo kết nối lại với người thân. Khi một người em họ nói với cô rằng bà ngoại khi còn sống muốn điều hành một không gian kết nối cộng đồng, Senoo nhớ lại cha cô luôn muốn mở quán cà phê. Cô nảy ra ý tưởng biến phòng làm việc thành quán cà phê và điểm tụ tập của những người thích đi xe đạp, môn thể thao ưa thích của cô.
Ngoài ra, Senoo dùng rau trồng trong vườn nhà để chế biến nhiều món tại quán, từ latte vị gừng tới bánh cà rốt chay. Quán thu hút lượng khách hàng ổn định là những người mê xe đạp và hàng xóm, những người từng là khách hàng lâu năm của hiệu thuốc.
"Ở trong môi trường khác hẳn với cuộc sống ở Tokyo, tôi nhận ra mình học được nhiều điều từ thiên nhiên", Senoo nói. "Tôi lấy năng lượng từ làm việc với đất đai. Hoa nở giúp tôi cảm nhận được sự thay đổi của các mùa".
Trong số nhiều gương mặt bỏ phố về làng ở Nhật Bản có một doanh nghiệp nhỏ hoạt động theo mô hình nhà nghỉ kết hợp trang trại ở Kamiyama, tỉnh Tokushima, dọc bờ biển phía đông đảo Shikoku.
Ikuko Saito, chuyên gia IT tại Tokyo, quyết định chuyển tới đây năm 2012 vì bị thu hút bởi không khí trong lành, cảnh núi non, thác nước, lòng hiếu khách của người dân địa phương.
Saito từng mở quán rượu và quán ăn có tên Cafe On y Va cùng bạn là Hiroyo Hasegawa. Công việc kinh doanh của hai người phát đạt trước khi đại dịch Covid-19 ập đến năm 2020. Covid-19 thúc đẩy hai người biến quán cà phê thành nhà nghỉ.
Khách thuê nhà được mời tham gia vào cuộc sống của người dân địa phương bằng cách cùng chủ nhà thực hiện các hoạt động thường nhật như hái chè, sao chè bên sườn núi hay bơi lội ở con sông gần đó. Khách cũng có thể lựa chọn món Pháp hoặc Địa Trung Hải do Hasegawa chuẩn bị từ nguồn nguyên liệu địa phương và từ trang trại On y Va, nơi cô nuôi gà, trồng rau và lúa.
Ban ngày, Saito lên núi nhặt củi để đốt lò sưởi. Cô cũng xây một phòng tắm hơi trên núi nhờ sự hướng dẫn của người làng và thường xuyên cùng thanh niên địa phương thực hiện các dự án xây dựng.
"Nếu thanh niên có thể học cách tự xây nhà, họ sẽ không bị ràng buộc bởi nhiều khoản vay mua nhà như nhiều người đang đối mặt ở thành phố", cô giải thích.
"Mỗi ngày làm việc với đất đai, với nhiều loài sinh vật, tôi lại ngạc nhiên khi khám phá ra điều mới lạ. Hiểu được điều này khiến tôi nhận ra thế giới loài người nhỏ bé như thế nào", Hasegawa nói.
Saito cho hay "bây giờ tôi thực sự cảm nhận bình yên sâu sắc khi chứng kiến thiên nhiên và các loài chung sống hài hòa, cân bằng".
"Khi làm việc ở Tokyo, tôi khao khát được người ta chấp nhận, nhưng giờ không còn cảm giác này nữa", Saito nói. "Ở đây, tôi chỉ trả lời tiếng gọi của tự nhiên, và mẹ tự nhiên hồi đáp tôi rất nhiều".
Đầu năm 2023, chính quyền Nhật Bản tiếp tục khuyến khích người dân rời khỏi thủ đô Tokyo và đến sinh sống ở những khu vực ngoại ô bị suy giảm dân số và già hóa nhanh.
Ngoài khoản hỗ trợ tài chính lên tới 3 triệu yên đã có sẵn, Chính phủ Nhật Bản đang cấp thêm 1 triệu yên (180 triệu đồng) trên mỗi con em của các gia đình chuyển ra khỏi Tokyo, trong nỗ lực nhằm đảo ngược tình trạng suy giảm dân số trong khu vực.
Mặc dù dân số Tokyo lần đầu tiên có xu hướng giảm xuống vào năm ngoái, được cho là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách tin rằng họ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm mật độ dân số của thành phố này, và đem lại sức sống mới cho các thị trấn và làng mạc xa xôi khác.
Kiên trì tập 2 động tác đơn giản suốt 15 năm, bác sĩ Nhật Bản 70 tuổi xương khỏe như tuổi 20, giảm được 9 cm vòng bụng và và tránh được đột quỵ