Hoãn Olympic 2020: Thể thao Việt Nam có thuận lợi nhưng không ít khó khăn
(Thethaovanhoa.vn) - Olympic 2020 đã chính thức bị hoãn lại tới mùa Hè năm 2021 sau khi Ủy ban Olymic quốc tế (IOC) đồng ý với đề xuất của nước chủ nhà Nhật Bản. Việc sân chơi này bị hoãn lại sẽ giúp Thể thao Việt Nam (TTVN) có điều kiện tốt hơn để chuẩn bị cho quá trình thi đấu giành vé, cũng như hướng đến mục tiêu cao hơn là giành thành tích cao tại Thế vận hội.
Hoãn Olympic là hợp lý
Olympic 2020 buộc phải hoãn lại tới mùa Hè 2020 là động thái bất khả kháng của nước chủ nhà Nhật Bản và IOC trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ đầu năm 2020 hầu như toàn bộ các giải đấu tuyển chọn suất dự Thế vận hội 2020 cũng đã bị hủy bỏ rất nhiều và gần như đóng băng trong 1 tháng qua.
Vì lý do này, sau 4 tấm vé đã giành được trước đó, TTVN cũng chỉ giành được thêm duy nhất 1 vé dự Olympic do công của võ sỹ Nguyễn Văn Đương ở môn boxing, khi giải đấu này được phép diễn ra tại Ấn Độ. Còn lại, hàng loạt kế hoạch tham dự các giải đấu tuyển chọn ở nhiều môn như bắn súng, cầu lông, taekwondo, karatedo… cũng đã không thể diễn ra.
Theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, việc hoãn Olympic cho tới mùa Hè năm 2021 là hết sức hợp lý, bởi dù bất cứ lý do gì, việc đảm bảo an toàn cho các VĐV cần đặt trên hết.
“Olympic hoãn lại 1 năm dù gây ra nhiều xáo trộn cho các đoàn thể thao quốc gia tham dự song là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và chưa biết khi nào mọi thứ mới có thể trở lại bình thường”.
Olympic hoãn lại 1 năm và chắc chắn, IOC cũng phải có những tính toán hợp lý và gia hạn thêm thời gian ở hệ thống giải đấu tính điểm. Điều này mang đến thuận lợi về mặt thời gian đối với kế hoạch chinh phục suất tham dự Thế vận hội của TTVN. Đặc biệt, sự chuẩn bị sẽ kỹ lưỡng hơn và sẽ được sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, không chỉ mang lại thuận lợi, vẫn có những bất lợi về mặt chuyên môn đối với hàng loạt các tuyển thủ, các ĐTQG không chỉ của Việt Nam.
“Thời gian thi đấu thay đổi sẽ làm toàn bộ kế hoạch chuẩn bị từ trước thay đổi theo. Phong độ và tâm lý của các tuyển thủ điều chúng tôi thật sự lo ngại, bởi việc điều chỉnh điểm rơi chuyên môn sẽ thay đổi và chưa thể nói trước điều gì với các cuộc thi đấu sẽ diễn ra muộn hơn tới cả năm”, ông Trần Đức Phấn nhận định.
Như vậy, trên thực tế, hoãn Olympic vừa mang đến thuận lợi nhưng đồng thời cũng mang tới những khó khăn cho TTVN. Lúc này, rất cần một kế hoạch tổng thể từ ngành thể thao để TTVN có thể sẵn sàng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tạm thời, nhóm các tuyển thủ đã giành vé dự Olympic vẫn tập luyện để duy trì phong độ, thể lực và khả năng chuyên môn. Nhóm các VĐV chuẩn bị thi đấu giành vé sẽ được chuẩn bị theo kế hoạch thi đấu cụ thể mà các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế công bố tới đây.
Olympic không ảnh hưởng tới SEA Games 31
Olympic bị hoãn và trùng với năm diễn ra SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam. Điều này sẽ tác động như thế nào tới TTVN trong kế hoạch chuẩn bị chuyên môn vì ai cũng biết SEA Games cũng là sân chơi mà các tuyển thủ sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn TTVN nằm trong tốp đầu, đặc biệt đây là kỳ đại hội mà Việt Nam đóng vai trò chủ nhà.
Theo khẳng định của ông Trần Đức Phấn, 2 đấu trường này dù diễn ra trong cùng 1 năm nhưng không ảnh hưởng quá lớn đế kế hoạch chuẩn bị.
“Lực lượng chuẩn bị cho SEA Games với lực lượng chuẩn bị cho Olympic luôn có sự liên thông theo một chiến lược dài hơi và thống nhất mà ngành thể thao đã xây dựng từ nhiều năm qua. Ngoài ra, số lượng VĐV dự SEA Games, đặc biệt với số lượng VĐV trọng điểm được tính toán vừa dự SEA Games vừa dự Olympic không quá nhiều. Nói một cách khác, nhóm này chỉ chiếm thiểu số và không làm ảnh hưởng tới việc thi đấu tại SEA Games 31. Dù vậy, tới đây chúng tôi sẽ vẫn rà soát lại thật kỹ và xây dựng kế hoạch cho thật phù hợp”, theo lời ông Phấn.
Liên quan tới Olympic, căn cứ vào năng lực hiện có, có một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là TTVN có rất ít hy vọng tranh chấp huy chương. So với thế hệ lực lượng VĐV từng giành 23 suất tham dự và giành 1 HCV, 1 HCB tại Brazil vào năm 2016 dù vẫn còn khoảng 2/3 số VĐV đang thi đấu nhưng khả năng cạnh tranh và phong độ vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Thậm chí, ngành thể thao đã từng dự báo, việc tái lập thành tích như tại Olympic 2016 là điều rất khó khăn, bởi ngay cả xạ thủ Hoàng Xuân Vinh người giành 1 HCV, 1 HCB hiện tại cũng chưa có vé tham dự. Sự cạnh tranh ở những môn thể thao có thể đo đếm như cử tạ, bơi hay điền kinh thì quá quyết liệt và không thể nói trước bất cứ điều gì.
“Không phải VĐV nào của TTVN tới Olympic cũng với mục tiêu giành huy chương vì đây là đấu trường lớn và chúng ta có rất ít cơ hội. Căn cứ vào năng lực cụ thể của từng VĐV, ngành thể thao sẽ xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho phù hợp.
Trước mắt, sẽ tập trung vào các cuộc thi đấu giành vé, còn với nhóm VĐV đã giành vé thì cần sự chuẩn bị tích cực hơn để làm sao họ có thể vượt qua chính mình và đạt thành tích cao nhất tại Olympic”, ông Trần Đức Phấn chia sẻ thêm.
TTVN đang đối diện với hàng loạt khó khăn do dịch bệnh khi toàn bộ hệ thống thi đấu gần như đã đóng băng kể từ đầu năm 2020. Việc Olympic bị hoãn lại cũng đem đến không ít khó khăn khi nó tác động ít nhiều tới kế hoạch tập huấn và thi đấu từ nay cho đến năm 2021.
Đây cũng là quãng thời gian đòi hỏi ngành thể thao phải có những tính toán thật sự chuẩn xác, đặc biệt về kế hoạch chuẩn bị của các ĐTQG, bởi khi dịch bệnh được kiểm soát, các cuộc thi đấu sẽ diễn ra ồ ạt và để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn là điều không dễ dàng.
Olympic 2020 - Thế vận hội mùa Hè lần đầu tiên bị hoãn vì dịch bệnh Olympic Tokyo 2020 không phải là kỳ Thế vận hội mùa Hè đầu tiên bị hoãn trong lịch sử tổ chức sân chơi này nhưng đây là lần đầu tiên Đại hội thể thao lớn nhất của thế giới bị hoãn lại vì lý do dịch bệnh. Năm 1916, Olympic Berlin 1916 đã không thể diễn ra theo kế hoạch đã định do Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến năm 1918 mới kết thúc. Tiếp đó, Nhật Bản lẽ ra cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên ngoài các nước phương Tây tổ chức Olympic vào năm 1940. Nhưng một lần nữa Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra vào năm 1939 khiến Olympic 1940 buộc phải hủy bỏ. Ngoài ra, việc Chiến tranh thế giới lần thứ hai kéo dài tới năm 1945 cũng khiến cho khiến Olympic 1944 dự kiến diễn ra ở London (Anh) đã bị hủy và đây là lần đầu tiên, 2 kỳ Thế vận hội không thể diễn ra. |
Vũ Lê