Hoạ sĩ nổi tiếng Nhật Bản sáng tác truyện tranh về 'Messi Thái'
(Thethaovanhoa.vn) – Chanathip Songkrasin sẽ trở thành nhân vật chính trong bộ truyện tranh manga của hoạ sĩ nổi tiếng Tsukasa Oshima, tác giả của bộ manga Shoot! (Sôi động cầu trường).
CLB Consadole Sapporo của Chanathip Songkrasin sẽ đối mặt với Shimizu S-Pulse vào ngày 21/11 ở vòng 28 J-League 1 mùa này. Đây được xem là trận derby của người Thái khi mà cả 2 đội bóng của Nhật Bản đều sở hữu những ngôi sao của Thái Lan. Bên phía Consadole Sapporo có Chanathip Songkrasin, trong khi đó, Shimizu S-Pulse có sự phục vụ của tiền đạo Teerasil Dangda.
Để quảng bá cho trận đấu nói trên, hoạ sĩ nổi tiếng Tsukasa Oshima, tác giả của bộ truyện tranh Shoot! (Sôi động cầu trường) sẽ viết bộ manga ngắn về câu chuyện của Chanathip Songkrasin với nhan đề “Chanathip Story -Be ambitious”. Bộ manga ngắn này sẽ gồm 65 trang và được trình bày trên khổ giấy A5.
Bộ manga trên sẽ được phát miễn phí cho 10 nghìn CĐV có mặt ở sân Sapporo Dome (Sapporo) trong trận đấu tới. Các CĐV Thái Lan ở Nhật Bản có thể tới sân Sapporo Dome để xem trận đấu nói trên và nhận món quà đặc biệt từ hoạ sĩ nổi tiếng Tsukasa Oshima.
Ngoài ra, các cầu thủ của CLB Consadole Sapporo sẽ mặc chiếc áo có dòng chữ “Thai derby” khi bước ra sân khởi động ở trận gặp Shimizu S-Pulse. Tờ Khaosod cho biết chiếc áo này còn có dòng chữ Thái Lan để cám ơn người hâm mộ xứ Chùa vàng đã ủng hộ đội bóng.
Tsukasa Oshima là tác giả bộ manga nổi tiếng về bóng đá Shoot!. Bộ truyện này khi xuất bản ở Việt Nam có tên là Sôi động cầu trường. Bộ manga này được sáng tác từ 1990 đến 2003 và bán được hơn 50 triệu bản, nằm trong số những bộ manga ăn khách nhất của Nhật Bản.
Với tác phẩm Shoot!, hoạ sĩ Tsukasa Oshima đã giành giải thưởng Kodansha Manga Award 1994 về mảng shonen (truyện cho con trai). Có một điều đặc biệt mà các độc giả ở Việt Nam ít biết, đó là hoạ sĩ Tsukasa Oshima là nữ giới (sinh năm 1970). Tsukasa Oshima cũng chỉ là bút danh và khiến nhiều người lầm tưởng rằng tác giả của Shoot! là nam giới. Lý do mà tác giả để bút danh con trai là vì bà e ngại để tên con gái sẽ khiến tác phẩm của mình không được độc giả hoan nghênh.
Sơn Tùng