Họa sĩ Đặng Thị Khuê làm sắp đặt 'Nhận diện và kết nối': Nỗi suy tư về con người
(Thethaovanhoa.vn) - Nhận diện và kết nối là chủ đề triển lãm sắp đặt của họa sĩ Đặng Thụy Khuê (sinh năm 1946) sẽ diễn ra từ 26/10 – 4/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 - Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1976, Đặng Thị Khuê là một họa sĩ có thâm niên và là người hoạt động nghệ thuật và xã hội rộng rãi, sớm có những tác phẩm hội họa (chủ yếu là sơn dầu) về các đề tài chống Mỹ và đời sống xã hội, đồng thời cũng sáng tác nhiều tranh cổ động trong chiến tranh và xây dựng đất nước. Bà cũng từng giữ nhiều trọng trách như nguyên Thường vụ, thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam 1978 – 1983; Thư ký Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (thời kỳ đổi mới) 1984-1989, Đại biểu Quốc hội khóa 7.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê (phải) trong triển lãm năm 2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Từ thập kỷ 80 bà dành nhiều thời gian nghiên cứu đời sống của các sắc tộc và ý tưởng về cội nguồn của con người. Những vấn đề này đã được bà vẽ thành những tác phẩm hội họa sâu lắng phối hợp giữa hình thể con người bản nguyên và văn hóa. Bà cũng công bố triển lãm sắp đặt đầu tiên tại Mỹ năm 1998; triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2003 và cùng năm tại Thụy Điển. Tiếp đó, bà trưng bày tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường năm 2007, tại Italy năm 2012, và một vài nơi khác. Con người trong gốc rễ của mình, với cái nhìn quá khứ, trăn trở hiện tại, sự kết nối thời gian và cộng đồng trở luôn thành chủ đề chính trong các sáng tác sắp đặt của Đặng Thị Khuê.
Triển lãm Nhận diện và kết nối gồm 7 tác phẩm sắp đặt: Tri âm, Cá thể và cộng đồng, Mẹ, Dấu ấn, Cõi nhân gian, Ngôn ngữ, Âm hưởng địa ngàn; mang chung nhất một suy tư về con người lúc nào cũng phải đối diện với chính mình và quá khứ mà chúng ta đang làm tổn thất, để không hiểu được mình bây giờ.
Theo nữ họa sĩ, Nhận diện và kết nối là để minh chứng cho sự đồng đại của tư duy minh triết xưa với phát kiến hôm nay, là cách để nghệ thuật tìm đường đến công chúng, làm tròn chức năng gắn kết tâm hồn con người vĩnh viễn.
H.C