Họa sĩ Alan Nguyễn: Thách thức cùng 'chân dung quá khổ'
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân lần đầu tiên Những người quanh tôi của Alan Nguyễn khai mạc lúc 18h ngày 10/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ giống bất kỳ cuộc trưng bày nào nếu chỉ nhìn ở bề mặt, nhưng hành trình tự học và tự mày mò sáng tác của tác giả này thì thật đáng khích lệ.
Tên đầy đủ là Nguyễn Công Hoài, sinh 1984, hiện sống và vẽ tranh tại huyện Trảng Bom, cách thành phố Biên Hòa khoảng 30 km và cách TP.HCM khoảng 50 km. Thường thì với các tác giả tự học và ở cách xa đô thị lớn sẽ có cái nhìn thiên về sự lãng mạn, với phong thái hồn quê, tĩnh vật, thiếu nữ, hoa trái hoặc sự hoài nhớ.
Nhưng chọn cho mình cái tên “kiểu” Việt kiều (Alan Nguyễn), và cách tiếp cận tác phẩm theo tinh thần đương đại, tác giả này đã tỏ rõ nỗ lực “thoát quê” để hòa nhập vào một trong những dòng chảy của mỹ thuật đương đại Việt Nam và thậm chí là mỹ thuật đương đại quốc tế.
Là kết quả của 5 năm vào nghề, tự mày mò thể hiện (chọn ra khoảng 30 tác phẩm để trưng bày), nên triển lãm này chưa cho thấy dấu ấn cá nhân đậm nét. Nếu nhìn khắt khe có thể thấy Alan Nguyễn đang chịu ảnh hưởng từ vài họa sĩ Việt Nam như Lê Quý Tông (Hà Nội), Phương Quốc Trí (TP.HCM, cũng tự học)…, và “sơ tổ” của họ là Nghiêm Bồi Minh (Yan Pei Ming, sinh 1960, Trung Quốc), rồi nhiều người khác nữa. Cách mà Alan Nguyễn vẽ danh hài Mr Bean năm 2014 không khác nhiều cách Nghiêm Bồi Minh vẽ Tổng thống Barack Obama năm 2008 bao nhiêu, mà “nhịp cầu giữa” là Lê Quý Tông, là Phương Quốc Trí.
Nói thì nói vậy, chứ khi “soi” kỹ cách vẽ kiểu “chân dung quá khổ” này (chân dung gần như phủ kín bức tranh khổ lớn, tước bỏ bối cảnh, chi tiết chung quanh, như kiểu chụp chân dung trong phòng chụp, với việc cắt cúp sát rạc…), thì việc Alan Nguyễn hay vô số họa sĩ khác ảnh hưởng lẫn nhau cũng là bình thường. Vì đó đã là một dòng chảy chung, các cá nhân can dự vào thì khó thoát ra được.
Ưu thế của cách chọn vẽ chân dung theo kiểu này - vốn đang được thị trường ưu thích, nên khá phổ biến - là ở việc tác giả có vẻ như dễ hòa nhập cái riêng vào dòng chảy chung. Thế nhưng đó cũng là thách thức, nhất là với các họa sĩ tự học, còn ít kinh nghiệm, kiểu gì cũng cần đi đường dài và có cái riêng của mình.
Chính vì vậy mà Những người quanh tôi cũng là dấu chấm để Alan Nguyễn kết lại một giai đoạn mày mò, để từ đây cất lên một tiếng hát riêng trong dàn đại đồng ca về loại tranh chân dung quá khổ đang phổ biến. Bởi về kỹ thuật, cảm xúc, sức làm việc… thì có vẻ như Alan Nguyễn đã đủ độ để bứt phá mạnh hơn nữa.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa