Dù phóng túng như Thị Mầu hay an phận như Thị Kính, dù liều lĩnh như Súy Vân hay xinh đẹp như Thúy Kiều… thì đều bất hạnh cả. Nay, “con gái một bề” được ưu tiên đủ thứ.
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Sinh nở vốn là lẽ tự nhiên, nhưng bây giờ với khoa học phát triển mạnh, nên người ta can thiệp vào tự nhiên thô bạo quá.
Tổng cục Dân số vừa thông báo, tỷ số mất cân bằng giới tinh khi sinh hiện nay là 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ. Với tâm lý thích con trai hơn con gái còn “đậm đặc” như hiện nay, dự tính đến năm 2030, chúng ta thiếu ít nhất 5 triệu cô dâu. Kéo theo đó, một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn kết hôn, nhiều người không thể kết hôn.
Rồi những hậu quả kéo theo là gia tăng các hành vi bạo lực, mãi dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Phụ nữ sẽ càng bị đối xử bất bình đẳng, bạo hành về thể chất lẫn tinh thần. Hoặc trong một chừng mực nào đó, người con gái dễ trở thành món hàng bị buôn bán. Tỉ lệ kết hôn của phụ nữ sẽ sớm hơn, sự tranh giành giữa những người đàn ông để có được người phụ nữ và tỉ lệ phụ nữ tái hôn sẽ cao hơn.
Xã hội thiếu phụ nữ đáng sợ thật!
Bộ Y tế vừa đề xuất một giải pháp quan trọng để đối phó với sự “lệch pha” kia. Các gia đình có con một bề là con gái sẽ được sự hỗ trợ của Nhà nước. Các em sẽ được ưu đãi trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình… Đề xuất thể hiện tính cấp bách của sự mất cân bằng giới tính đã đến lúc báo động.
2. Liệu sự hỗ trợ kia có giảm được sự thèm khát có con trai trong tư tưởng nhiều người dân Việt Nam. Tư tưởng Nho giáo “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, có một con trai là có con, còn mười con gái vẫn như không con đã ăn sâu vào tâm lý người Việt. Trong hoàn cảnh đất nước ta hàng nghìn năm, chiến trận liên miên, cần “khi có giặc người con trai ra trận”, tâm lý cần con trai có thể hiểu được.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không có quyền làm chủ cuộc đời mình khi phải kiêm đủ Tam tòng: “tại gia tòng phụ” (ở nhà phải theo cha); “xuất giá tòng phu” (cưới chồng phải theo chồng); “phu tử tòng tử” (chồng chết phải theo con), và tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh… Có thể nói, bây giờ phần lớn trong xã hội ta vẫn suy nghĩ như vậy.
Trong văn hóa Việt Nam, dù phóng túng như Thị Mầu hay an phận như Thị Kính, dù liều lĩnh như Súy Vân hay xinh đẹp như Thúy Kiều… thì đều bất hạnh cả. Cực chẳng đã, người đàn bà đi trước thời đại Hồ Xuân Hương đành phải vùng lên chống lại xã hội phong kiến tàn nhẫn, chống lại cường quyền với thần quyền; cất tiếng nói đòi quyền sống cho người phụ nữ. Bà đã có một tuyên ngôn nổi tiếng: “Ví đây đổi phận làm trai được”, để đòi “quyền phụ nữ”.
Với đề xuất hỗ trợ “con gái một bề” có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta có một dự thảo văn bản “phân biệt đối xử” như vậy. Đàn bà con gái được ưu tiên đủ thứ. Nghĩ mà vui.
Nhưng lại nghĩ “tư tưởng” mới là gốc của vấn đề, như Hồ Xuân Hương thốt lên: “Ví đây đổi phận”, nhưng rốt cuộc Xuân Hương vẫn là… đàn bà. Để thay đổi quan niệm số đông, cần thời gian rất dài.
Thảo Vy