HLV U15 SLNA đánh học trò: Đồng cảm, chứ không đồng tình
Khi Ngô Anh Đức ăn mừng trước mặt ban huấn luyện U15 Viettel, HLV U15 SLNA Ngô Quang Trường đã nổi giận cầm chai nước rỗng đánh vào đầu học trò. Đó là hành động mà nhiều người đồng cảm, nhưng không phải ai cũng đồng tình.
Đó là tình huống diễn ra ở phút 65 của trận bán kết U15 quốc gia giữa U15 SLNA và U15 Viettel, khi Trần Đông Thức nâng tỷ số lên 3-2 cho đội bóng xứ Nghệ. Trong khi các đồng đội đang ăn mừng ở cuối sân thì hậu vệ Ngô Anh Đức lại chạy tới khu kỹ thuật của Viettel và ăn mừng một cách khiêu khích.
Đồng cảm với HLV U15 SLNA...
Chúng ta có thể đồng cảm với sự tức giận của HLV Ngô Quang Trường, người vốn nổi tiếng là nóng tính từ khi còn là cầu thủ. Ông không kiềm chế được mình nên đã ngay lập tức "dạy dỗ" cậu học trò 14 tuổi bằng một cái gõ vào đầu. Các cầu thủ U15 SLNA và chính HLV Nguyễn Thăng Long của U15 Viettel cũng phải lôi cựu tuyển thủ 51 tuổi này ra. Sau đó, Quang Trường đã ra xin lỗi ban huấn luyện cũng như trưởng đoàn Viettel Nguyễn Hải Biên.
Trên mạng xã hội, nhiều người đồng tình với hành động của HLV Quang Trường, rằng "cầu thủ trẻ cần được uốn nắn ngay lập tức', và "yêu cho roi, cho vọt". Việc HLV Quang Trường ngăn chặn hành động ăn mừng của Anh Đức và xin lỗi ban huấn luyện U15 Viettel còn tránh nguy cơ dẫn đến một cuộc ẩu đả như ở trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 32 giữa U23 Thái Lan và U23 Indonesia.
Nhìn rộng hơn, việc yêu cầu các cầu thủ phải tôn trọng đối thủ là điều rất cần thiết. Lứa trẻ của học viện bóng đá HAGL có thể chưa được thành công như nhiều lò đào tạo trẻ khác, nhưng về mặt tư cách, đó là một thế hệ rất ngoan, và nó được thể hiện từ điều rất nhỏ nhặt là cúi chào ban huấn luyện đội bạn trước khi rời sân. Hiệu ứng tích cực này đã lan tỏa sang nhiều đội bóng và nhiều thế hệ cầu thủ trẻ bây giờ.
Nhưng không đồng tình...
Nhưng đồng cảm với HLV Ngô Quang Trường không có nghĩa là đồng tình với cách thức mà ông dạy dỗ các học trò. Ngay cả khi chính Ngô Anh Đức đã viết tâm thư để nhận lỗi và thừa nhận "HLV Quang Trường đánh vì thương tôi", thì chúng ta vẫn có thể đặt câu hỏi: liệu có nên sử dụng hành vi đánh đập để dạy dỗ và tạo kỷ luật cho học trò, và những hiệu quả và hệ quả của việc này sẽ ra sao?
Hành động của HLV Quang Trường đúng là có thể khiến học trò phải suy nghĩ lại về hành vi của mình, tạo áp lực và giúp họ nắm bắt sự nghiêm túc của tình hình, nhưng cũng cần cân nhắc đến những hệ quả tiềm tàng. Thứ nhất, đó là tác động tới tinh thần và tâm lý học trò khi họ cảm thấy bị xúc phạm, dẫn đến mất tập trung, sợ hãi. Thứ hai, hành vi thiếu kiềm chế còn ảnh hưởng tới chính hình ảnh và uy tín của HLV. Dĩ nhiên, nó cũng không phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và giáo dục. Liệu chúng ta có thể dùng một hành động bạo lực để dạy dỗ cho hành vi thiếu văn hóa?
Trong quá trình dạy dỗ và định hình tâm hồn cho các vận động viên trẻ, việc lựa chọn giữa sử dụng hành vi bạo lực và các phương pháp khác phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiệu quả và hệ quả của việc này có thể tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của học trò và uy tín của HLV. Thay vì dùng bạo lực, việc xây dựng môi trường tích cực, thấu hiểu và khích lệ sự phát triển của học trò có thể mang lại kết quả tốt hơn trong việc dạy dỗ và định hình tâm hồn cho các vận động viên trẻ.
Sự nhiệt huyết, tận tâm của HLV Ngô Quang Trường là điều rất đáng ghi nhận. Nhưng trên sân cỏ, việc răn dạy học trò cũng cần xử lý tinh tế hơn. Đó cũng có thể xem là bài học trong sự nghiệp huấn luyện của ông Trường, cũng như nhiều nhà cầm quân khác.