HLV Troussier cũng thật... khó lường!
Công bố cùng lúc 2 đội tuyển và có những chọn lựa có thể khiến nhiều người bất ngờ, HLV Philippe Troussier cho thấy ông rất chủ động với công việc của mình. Cũng từ đó, người ta cũng thấy ông thực sự muốn làm khác với những gì của người tiền nhiệm Park Hang Seo.
Gọi một cầu thủ Việt kiều 18 tuổi về thử sức ở đội U23, triệu tập các cầu thủ gần như không được thi đấu ở nước ngoài, ông Troussier chia tách khá rõ vai trò và mục tiêu của 2 đội tuyển. Đây chính là điểm khác biệt rất lớn so với thời HLV Park Hang Seo.
Tất nhiên là chưa biết đợt hội quân sắp đến HLV Troussier có "trộn" cầu thủ của 2 đội lại với nhau không, nhưng rõ ràng việc cùng lúc gọi đến hơn 60 con người trong 2 tuần lễ ngắn ngủi là một chuyện không đơn giản. HLV Troussier dường như đang cố tận dụng quỹ thời gian ít ỏi của mình để truyền đạt ý tưởng cho nhiều cầu thủ nhất có thể.
Tuy nhiên có một điều dễ nhận thấy là ông Troussier đang gặp khó khăn trong việc tìm nhân tố mới. Những cầu thủ ngoài các trụ cột dưới thời HLV Park được triệu tập lần này cũng không phải là các gương mặt quá xa lạ.
Họ cũng từng được lên tuyển nhưng chưa đủ chất lượng. Giờ gọi lại, vẫn là dựa trên phong độ của họ tại các CLB, nhưng đó cũng không phải là do họ xuất sắc hơn trước, mà vì họ đang chơi ở các đội bóng có thành tích tốt tại V-League.
Nhóm 5 đội đứng đầu V-League đã chiếm đến 80% bản danh sách của ông Troussier (ngoài các cầu thủ đá nước ngoài), trường hợp cá biệt có Phạm Xuân Mạnh của SLNA hay Trần Minh Toàn của Bình Dương nhưng đây không phải là các vị trí đáng quan tâm. Như vậy, ông Troussier một lần nữa, thông qua quyết định triệu tập, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của V-League. Những ai chơi tốt tại giải đấu này sẽ là ưu tiên hàng đầu, một chi tiết cũng khác thời HLV Park.
Chính vì vậy mà việc thiếu những nhân tố mới cũng cho thấy V-League hiện nay vận hành chưa được ổn. Trong 33 cầu thủ mà ông Troussier triệu tập, thì đã có đến 15 người từng "ăn cơm" tuyển từ năm 2018, 7 người khác lên tuyển từ 2019, tức là có đến 22 cầu thủ đã là tuyển thủ suốt hơn nửa thập niên.
Họ chính là các nhân tố khiến cho V-League thời gian qua trở nên đáng xem, thu hút được nhiều nguồn tại trợ. Nhưng ở chiều ngược lại, gần như V-League không giới thiệu được ai cả. Dám chắc là ông Troussier cũng cố gắng tìm thêm người mới, nhưng rõ ràng là ông làm điều này dễ dàng hơn ở đội U23, nơi mà cơ hội đá V-League của các cầu thủ đều ít ỏi giống nhau.
Con người không mới, nhưng sự thú vị nằm ở chỗ không vì chuyện thiếu thốn ấy mà ông Troussier "trộn lẫn" 2 đội tuyển. Một vài cầu thủ U23 từng khoác áo quốc gia thì nay vẫn cứ ở lại với U23. Sau SEA Games 32, ông Troussier cũng chưa vội cất nhắc thành viên trẻ nào lên tuyển để kiểm tra cả.
Người ta từng lo chuyện "một nách 2 con", nhưng qua đợt tập trung này thì có thể thấy ông Troussier có định hướng tương đối rõ chiến lược phát triển 2 đội tuyển. Nói đúng hơn, ông cho thấy được "chất" chuyên nghiệp của mình: đội nào ra đội đó, có giỏi ở U23 thì cũng phải chơi tốt tại V-League rồi mới tính.
Do ông Troussier chưa làm việc trực tiếp với đội tuyển nên chúng ta cũng chưa thể biết ông có giữ nguyên các nhân sự hiện tại hay không. Vì rất có thể ông vẫn sẽ tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ nếu những cựu binh hiện tại trên tuyển không theo kịp các chuyển đổi phong cách chơi bóng mà ông Troussier áp dụng.
Đó chính là một trong những cách làm việc mới mẻ, tạo ra sự khác biệt lớn giữa ông Troussier với các người tiền nhiệm. Nếu có một người từng xử lý công việc này giống ông Troussier nhất thì đó là cựu HLV Toshiya Miura, một người đến từ Nhật Bản, đất nước mà ông Troussier được xem như người "khai sáng", mở đường cho cách quản trị bóng đá mới để rồi bóng đá Nhật tạo được thành công cho đến ngày hôm nay.
Việc U23 chơi không thành công trong giai đoạn đầu cầm quân của ông Troussier khiến nhà cầm quân lão làng này chịu không ít ngờ vực. Nhưng cách mà ông tập trung đội tuyển lần này cũng thể hiện được sự kiên định cần có của người mà bóng đá Việt Nam đang trông đợi sẽ tạo ra sức bật mới đưa chúng ta đến World Cup.
Thành công hay không thì thời gian sẽ trả lời, nhưng nói cho cùng bóng đá Việt Nam cần có sự thay đổi, cần có người "yêu cầu" chúng ta phải thay đổi theo những phương pháp tiên tiến, khoa học, phù hợp với thế giới để tiến về phía trước…