HLV Troussier chỉ ra hai việc bóng đá Việt Nam cần làm để dự World Cup
Trong cuộc họp báo mới đây, HLV Troussier khẳng định mục tiêu của ông là giúp tuyển Việt Nam dự World Cup và ông chỉ ra hai việc cần làm.
Bóng đá Việt Nam có làm được hai việc HLV Troussier đã chỉ ra?
Ông Phillippe Troussier cho rằng muốn mở ra hi vọng dự World Cup 2026 thì bóng đá Việt Nam cần làm được hai việc.
Thứ nhất là chúng ta phải tăng tính cạnh tranh cho giải VĐQG V-League, làm sao để các cầu thủ có thể chơi 40-50 trận mỗi năm và mùa giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam có thể diễn ra liên tục trong 10 tháng.
Thứ hai, tuyển Việt Nam cần có nhiều trận đấu tập huấn, cọ sát với các đối thủ mạnh, nhất là các đội trong top 60 FIFA.
Cả hai điểm ông Troussier chỉ ra dĩ nhiên đều đúng và cần thiết. Đến nay chúng ta đều chưa làm tốt được hai việc này. Các cầu thủ muốn có phong độ ổn định, muốn nâng cao được thể lực, chất lượng kỹ thuật cũng như muốn tích luỹ được kinh nghiệm thì họ phải được thi đấu thường xuyên.
Đội tuyển Việt Nam cũng tương tự. Chúng ta muốn nâng cao được trình độ chuyên môn, tâm lí thi đấu, kinh nghiệm thi đấu bóng đá đỉnh cao thì chúng ta phải cọ sát thường xuyên với các đối thủ mạnh.
Không ngẫu nhiên ông Troussier nhấn mạnh là tuyển Việt Nam phải đá tập huấn thường xuyên với các đội thuộc top 60 thế giới bởi thực tế cho thấy các đội dự World Cup nằm trong nhóm này.
Nhưng để làm được tốt cả hai việc HLV người Pháp đã chỉ ra không hề đơn giản. Làm sao để các cầu thủ có thể đá mỗi năm 40-50 trận khi các CLB hàng đầu V-League sử dụng khá nhiều "ngoại binh" còn các cầu thủ trẻ mòn mỏi trên ghế dự bị?
Đó là hệ quả của việc các CLB ở V-League đều theo đuổi mục tiêu thành tích trong ngắn hạn thay vì có những kế hoạch phát triển nhân sự bài bản để hướng đến những mục tiêu dài hạn.
Các cầu thủ trẻ không được trao cơ hội ra sân thường xuyên thì họ không thể "lớn", không thể tích luỹ kinh nghiệm và nâng cao trình độ. Khi không có được nguồn nhân lực trẻ tiềm năng thực sự để bổ sung lực lượng kế cận thì ngay từ yếu tố con người, tuyển Việt Nam đã gặp vấn đề về tính cạnh tranh, tính kế thừa cũng như chiều sâu đội ngũ.
Từ thời HLV Park Hang Seo, dù gặt hái không ít thành công, chúng ta cũng đã gặp vấn đề về nguồn nhân lực. Chính ông Park từng than phiền là ông không tìm kiếm được những cầu thủ trẻ chất lượng để bổ sung cho tuyển Việt Nam.
Cũng phải thôi vì lấy đâu ra những cầu thủ như thế khi hầu hết họ đều phải đá dự bị quá nhiều ở CLB chủ quản? Chỉ có một nhóm cầu thủ nhất định được lựa chọn và đóng vai trò là bộ khung "chuẩn" cho tuyển Việt Nam nhưng như thế là không đủ vì rõ ràng chúng ta không có được một đội ngủ có chiều sâu, có tính cạnh tranh cao và cả tính kế thừa.
Bên cạnh vấn đề về yếu tố con người là vấn đề về các chương trình tập huấn, cọ sát. Chúng ta rất ít khi có được những trận đấu cọ sát chất lượng với các đối thủ thực sự mạnh, những đội thuộc top 60 thế giới mà ông Troussier nhắc đến.
Tại sao lại như vậy? Một trong những lí do nằm ở khía cạnh tài chính. Để mời được các đối thủ như vậy, chúng ta cần chi kha khá tiền. Mời càng nhiều đội mạnh thì càng phải chi nhiều tiền. Vậy nguồn kinh phí lấy ở đâu?
Vấn đề đã được HLV Troussier chỉ ra nhưng giải pháp thì không đơn giản. Làm sao để nâng tầm bóng đá Việt Nam nhằm hiện thực hoá mục tiêu dự World Cup là câu chuyện dài và nó đòi hỏi sự vào cuộc, sự quan tâm và phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức từ chính phủ, lãnh đạo ngành TDTT cho tới lãnh đạo VFF, lãnh đạo các CLB…