HLV Park Hang Seo, Quang Hải và AFF Cup
Khi có thông tin CLB Pau FC quyết định "nhả" Quang Hải về đá AFF Cup, nhiều người đã "bĩu môi" cho rằng vì Quang Hải không còn cần thiết ở Pau FC nữa. Nhưng mọi chuyện có đáng để ồn ào như vậy không?
AFF Cup đã không còn quan trọng?
Cách đây không lâu, khi đội tuyển Việt Nam chơi không tốt ở AFF Cup 2020, đã có ý kiến đề xuất nên đưa đội U23 Việt Nam đá AFF Cup. Quan điểm đó không có gì sai, nhưng vấn đề nếu U23 đá AFF Cup thì đội tuyển quốc gia… đá ở đâu?
AFF Cup chỉ là một giải đấu khu vực và không thuộc FIFA Days, nhưng đó là thước đo trình độ gần gũi nhất của bóng đá Đông Nam Á. Có thể chất lượng của AFF Cup không có tính đột biến.
Sau gần 3 thập kỷ tổ chức, vẫn là cuộc cạnh tranh giữa 4-5 đội hàng đầu khu vực, dễ đem đến cảm giác nhàm chán nhưng ở góc độ phát triển của bóng đá Đông Nam Á, thì đây là bước chuẩn bị không thể thiếu trước khi nghĩ đến chuyện vươn tầm.
Sự thờ ơ của Thái Lan chính là lý do khiến AFF Cup trở nên kém sức hút. Với 6 lần vô địch, thật khó để nói rằng Thái Lan còn khao khát chiến thắng.
Thêm một vài chức vô địch AFF Cup nữa thì cũng chẳng thể đưa trình độ bóng đá Thái đi xa đến đâu. Điều này tác động đến tâm lý chung của các đối thủ cạnh tranh nhất là với những đội chưa từng vô địch như Indonesia.
Thậm chí với Việt Nam, cũng mất không ít động lực nếu như tại kỳ AFF Cup nào đó Thái Lan tỏ ý không mặn mà. Còn một lý do mang tính khách quan khác, đó là việc những giải đấu quốc tế khác nhưng vòng loại Asian Cup hay kể cả vòng loại World Cup cũng được phân chia theo khu vực địa lý, khiến cho một vài đội bóng mạnh ở Đông Nam Á gặp nhau quá thường xuyên, trong khi về mặt tính chất, thì các cuộc đối đầu ấy thậm chí còn quan trọng hơn AFF Cup.
Đơn cử như trường hợp Thái Lan vuột vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 nên họ mới "nóng mặt" tập hợp đội hình tốt nhất để đá AFF Cup 2020 và đoạt chức vô địch nhằm khỏa lấp nỗi thất vọng kia.
Ở một góc nhìn khác, sau khi vô địch AFF Cup 2018, Việt Nam đã gia nhập vào nhóm 3 đội có số lần vô địch nhiều hơn 1 cùng với Thái Lan (6 lần) và Singapore (3). Như vậy, nếu nói về khao khát thì dường như tại Đông Nam Á chỉ mỗi Indonesia là còn nguyên sự hứng khởi chờ đợi giải đấu này diễn ra.
Nhưng điều đó không có nghĩa là AFF Cup "có cũng như không". HLV Alexandre Polking chắc gì đã tại vị nếu Thái Lan không thắng ở kỳ giải gần nhất. Tượng đài như HLV Park Hang Seo nhưng cũng đã chịu sức ép vô cùng lớn vì để thua người Thái trên đất Singapore.
Chỉ tính riêng cố HLV Alfred Riedl, người từng dẫn dắt đến 3 đội tuyển khác nhau dự các kỳ AFF Cup, thì cũng đã 3 lần phải rời ghế do không thể đưa đội nhà đến chức vô địch AFF Cup. Một trường hợp khác là Myanmar, thế lực cũ của bóng đá SEA Games, thì có thể AFF Cup chính là giấc mơ lớn nhất của họ.
Nói AFF Cup là thước đo, cũng vì thế. Đó là một cách định lượng, hoặc tìm ra đại diện tiêu biểu nhất của bóng đá Đông Nam Á trên con đường chinh phục châu lục. Đó cũng là sân chơi mang ý nghĩa tổng duyệt lực lượng với chu kỳ 2 năm/lần.
Với một khu vực chậm phát triển như Đông Nam Á, một thế hệ cầu thủ thường không kéo dài một cách ổn định như tại châu Âu, có khi kỳ AFF Cup này khác kỳ trước. Nên có những người, không đá AFF Cup thì có lẽ sự nghiệp cũng có rất ít các trận quốc tế để ghi vào.
Quang Hải về đá AFF Cup - Bình thường thôi
HLV Park Hang Seo chọn AFF Cup 2022 là điểm dừng chân trong cuộc hành trình ở Việt Nam và ông muốn những điều tốt nhất, bao gồm sự có mặt của cầu thủ gần như là "bất khả xâm phạm" Nguyễn Quang Hải. Còn với cá nhân của cựu cầu thủ Hà Nội FC, thì đương nhiên, AFF Cup 2022 là cơ hội để anh lấy lại vị thế của mình trên tư cách một ngôi sao.
Chuyện này chẳng liên quan gì đến vấn đề của Quang Hải ở Pau FC cả. Vì trên lý thuyết lẫn thực tế, nhu cầu được chơi bóng của cầu thủ, đặc biệt là trong màu áo đội tuyển quốc gia là có thật và những HLV tại CLB đều hiểu điều này.
Cũng vì vậy mà các CLB lớn ở châu Âu mới viện dẫn rào cản từ FIFA Days, để tìm cách giảm tối đa khả năng và thậm chí cả ngày đi, ngày về đội tuyển của cầu thủ.
Pau FC không nằm trong trường hợp phải nhả quá nhiều cầu thủ về đội tuyển, nên chuyện họ đồng ý để 1-2 người như Quang Hải rời đội trong một tháng cũng là một bài toán tâm lý. Không phải vì Quang Hải nằng nặc đòi về, cũng chẳng vì anh vô dụng tại Pau FC.
Một cầu thủ "thèm" được ra sân như vậy, đội nào mà chẳng muốn, nhất là khi đang phải trả lương cho anh. Để anh về đá AFF Cup, Pau FC "một mũi tên trúng 2 đích". Hải thăng hoa, thì họ cũng có lợi. Nếu đội tuyển Việt Nam thất bại, cũng chẳng ai nói gì đến việc Hải dự bị tại Pau FC.
Sự nghiệp của Quang Hải ở Pau FC càng không liên quan gì đến việc anh về đá AFF Cup 2022. Khả năng hòa nhập của cầu thủ Việt Nam ở Ligue 2 đơn thuần là vấn đề chuyên môn. Nghĩa là kể cả khi không vể đá AFF Cup thì cũng chẳng có gì thay đổi cả nếu Pau FC vẫn đang duy trì mạch trận tốt của mình.
Quang Hải sẽ ngồi dự bị dài dài, điều này cũng đã thấy rõ qua những lần anh được ra sân chơi bóng, và qua việc Pau FC đang chơi mà không cần có Hải đá chính. Để duy trì sự nghiệp cho mình, Quang Hải cần thêm thời gian hoặc có hướng đi khác.
Chuyện đó ai cũng đã thấy. Năm sau là Asian Cup, với mật độ thi đấu thưa thớt hiện nay, rất khó để tân HLV đội tuyển nhìn thấy ở Quang Hải một sự liên kết nào đó đến lối chơi của ông ta. Vậy nên, nếu Hải muốn về và Pau FC thông cảm, cũng khá thuận tình.
Và chúng ta nói đến khía cạnh cuối cùng: Cuộc chia tay của HLV Park Hang Seo. Ông thầy người Hàn Quốc xứng đáng có một kỳ giải tri ân từ các học trò của mình. Như đã nói, ở thời điểm hiện tại, AFF Cup vẫn là đấu trường phù hợp với bóng đá Việt Nam trong việc tái tạo năng lượng cho các chặng đường lớn phía sau.
Có thể ở AFF Cup 2024, chúng ta sẽ chứng kiến một đội tuyển trẻ trung hơn dưới thời một HLV khác. Sự đổi thay đó rồi sẽ xảy ra, nên AFF Cup 2022 là một ngã rẽ cho cả thế hệ vàng son mà ông Park Hang Seo hay Nguyễn Quang Hải đều không muốn lỡ chuyến tàu vinh quang.
Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2022:
Thủ môn: Đặng Văn Lâm (CLB Bình Định), Trần Nguyên Mạnh (Viettel FC), Nguyễn Văn Toản (CLB Hải Phòng), Nguyễn Văn Hoàng (CLB SLNA).
Hậu vệ: Nguyễn Thanh Bình, Bùi Tiến Dũng (Viettel FC), Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung, Đỗ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu (Hà Nội FC), Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng (CLB SLNA), Hồ Tấn Tài (CLB Bình Định), Nguyễn Thanh Nhân, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy (CLB HAGL), Lương Duy Cương (CLB Đà Nẵng)
Tiền vệ: Nguyễn Tuấn Anh (CLB HAGL), Phan Văn Đức (CLB SLNA), Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC), Nguyễn Hải Huy, Châu Ngọc Quang (CLB Hải Phòng), Nguyễn Hoàng Đức, Khuất Văn Khang (Viettel FC), Nguyễn Quang Hải (Pau FC)
Tiền đạo: Nguyễn Văn Quyết, Phạm Tuấn Hải (Hà Nội FC), Hà Đức Chinh (CLB Bình Định), Nguyễn Văn Toàn (CLB HAGL), Phạm Đình Duy (CLB Đà Nẵng), Nguyễn Tiến Linh (CLB Bình Dương)