HLV Park Hang Seo cũng chỉ là 'người phàm'
(Thethaovanhoa.vn) - “Chờ tôi một chút”, HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam gọi với, đồng thời “mở tốc độ đoạn ngắn” chạy về phía cánh phóng viên thể thao Việt Nam đang xếp hình chụp ảnh, trong Giải bóng đá PTV Hà Nội 2019 để kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 trên sân tập VFF đợt rồi. Vừa vào hàng, ông Park ngồi bệt xuống thảm cỏ nhân tạo một cách hào hứng, với sức nóng hơn 40 độ C vào đầu giờ chiều của tiết hè Hà Nội.
Rất vui vẻ, thân thiện và cởi mở, HLV người Hàn Quốc chụp ảnh với bất cứ ai khi được yêu cầu. Và cũng rất nhanh, ông thay trang phục vào sân để thi đấu luôn.
“Cho tôi xin 10 phút thôi”, vẫn lời ông Park nói với lãnh đạo đội bóng mà mình thuộc biên chế, đồng thời đưa lên 10 ngón tay làm dấu. Tả xung hữu đột, HLV Park Hang Seo chia bài đều như vắt chanh và thậm chí đã có một đường chuyền thành bàn. Ai bảo 60 tuổi không thể ra trận, ông Park Hang Seo thậm chí đã 63 (cả mụ, tuổi Dậu) cơ đấy. Và đâu chỉ có 10 phút như giao kèo, ông Park chơi hẳn 2 “games”, với thái độ rất nghiêm túc và quyết tâm.
Tiếc là đội của ông Park thua ngay trận đầu khi gặp phải đối thủ rất mạnh. Không sao cả, vui là chính.
VIDEO: Văn Thanh cần thêm thời gian để bình phục chấn thương - HLV Park Hang Seo
Xem ông Park chơi bóng và tiếp xúc với cánh phóng viên, với cả người hâm mộ, ít ai nghĩ ông có thể là một người dễ nổi nóng. Thế mà ông Park đã từng nổi nóng thật. Đấy là thời điểm cách đây chừng một tháng, khi HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lên danh sách đội bóng đi Thái Lan dự King’s Cup 2019. Với rất nhiều sức ép và những lời bàn ra tán vào của các “HLV online”, trong đó không ít người là phóng viên thể thao mảng bóng đá, HLV Park Hang Seo đã phản ứng rất gay gắt.
Thực ra, sự phản ứng ấy là rất tự nhiên và hoàn toàn mang tính con người. Từ Alfred Riedl đến Henrique Calisto và cả Falko Goetz, những HLV ngoại của đội tuyển Việt Nam, thậm chí không ít lần nói không với báo chí, nói không với truyền thông. Khả năng chế ngự cảm xúc và vượt qua sức ép chỉ là một phần, song cơ bản là họ muốn đội bóng của mình tập trung tối đa và tốt nhất có thể. Họ muốn tránh nhiễu sóng, dễ loạn lòng quân, không cần thiết.
Ông Park Hang Seo có thể đã và đang được ví như vị thánh sống của bóng đá Việt Nam, người đã nâng cấp năng lực chinh phục và tham vọng cho các ĐTQG trong suốt 2 năm qua, đổi đời cho cả một thế hệ cầu thủ.
Nhưng, ông Park cũng chỉ là người phàm. Mà đã là người phàm, thì phải nổi nóng, phải có cảm xúc. Xong rồi thôi, không để bụng, ông Park còn là người cầu thị và cầu tiến. Ông không muốn dừng lại và cũng không cho phép học trò sớm thoả mãn.
Đây là khoảng thời gian nhạy cảm với ông Park Hang Seo và bóng đá Việt Nam trong việc thương thảo hợp đồng: Ký tiếp hoặc đường ai nấy đi. Cách đây 2 năm, VFF (tức bên A) là người được chọn, nhưng sau một chặng đường dài với bao câu chuyện thần tiên trở thành sự thật, giờ ông Park Hang Seo lại là người nắm chủ động trên bàn đàm phán. Bởi lúc này, ông Park đã ở một vị thế khác, tầm vóc khác.
Quyền lợi và môi trường làm việc là những điều khoản quan trọng trong đàm phán. Bóng đá Việt Nam có thể đã, đang và sẽ làm thoả mãn ông Park ở vế thứ 2, thậm chí bao cả vế đầu (lương, thưởng..., nói chung là chế độ), nhưng ở đâu đó ngay cạnh chúng ta thôi, họ sẵn sàng các điều kiện gấp 10 lần, thậm chí 50 lần như thế, liệu ông Park có không gật?! Vả lại, trong 2 năm làm việc, với một người có tầm nhìn, ông Park Hang Seo rõ là cũng phần nào đo được giới hạn của cả 2.
Người hâm mộ, truyền thông, các cầu thủ và những người thật sự có tâm với hưng suy của bóng đá Việt Nam, hẳn nhiên muốn ông Park tiếp tục gắn bó, sau những gì ông đã đem lại. Số còn lại (không phải không có) thì chưa chắc. Cũng còn tuỳ thái độ! Gái có công, chồng chẳng phụ. Quan trọng, ông Park Hang Seo là người quyết định cuối cùng.
Tùy Phong