HLV Lê Thụy Hải đề cao hành động Fair Play
(Thethaovanhoa.vn) - Là nhân chứng sống qua nhiều thời kỳ của bóng đá Việt Nam, HLV Lê Thụy Hải đã lưu giữ những ký ức ấn tượng về nền túc cầu nước nhà từ những ngày đầu khó khăn đến thời điểm bóng đá trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân hiện tại.
Tại Lễ công bố Giải thưởng bóng đá cao thượng Fair Play 2019 do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức sáng 26/6 tại trụ sở ở TP.HCM, HLV Lê Thụy Hải cũng góp mặt để kể về những quá khứ vàng son của bóng đá nước nhà khi ông còn thi đấu. Cựu cầu thủ Đường sắt Việt Nam dù đang đối chọi với căn bệnh nặng nhưng khi nhắc về bóng đá, đặc biệt ở những ngày đầu khó khăn, ông vẫn luôn lạc quan và giữ vững giọng nói hào sảng.
Cựu tuyển thủ quốc gia luôn đề cao giá trị của bóng đá đối với người hâm mộ, thủa ông còn chơi bóng có hàng vạn người đến sân để theo dõi các đội thi đấu. Đặc biệt trong chuyến giao hữu năm 1976 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, với tư cách là đội bóng hàng đầu đại diện cho miền Bắc, đội bóng của ông Hải “lơ” đã có trận thi đấu lịch sử với đội bóng hàng đầu đại diện cho miền Nam bấy giờ là Cảng Sài Gòn.
HLV Lê Thụy Hải cho biết giá trị của bóng đá ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Do đó, những người tham gia cuộc chơi phải có trách nhiệm gìn giữ cho môn thể thao này luôn sạch, đẹp, duy trì tác động tích cực đối với cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Trưởng BTC giải thưởng Fair Play 2019 - cho biết: “Giải thưởng Fair Play luôn hướng tới mục tiêu tôn vinh lối chơi đẹp, những hành động cao thượng, trong sáng, mang lại lợi ích cho bóng đá và xã hội. Cùng với đó là việc lên án những hành động xấu, đẩy lùi những tệ nạn, hình ảnh xấu xí góp phần làm trong sạch bóng đá nước nhà”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương có mặt trong Hội đồng thẩm định giải thưởng cho biết việc duy trì giải thưởng cho đến năm thứ 8 có được là nhờ sự hưởng ứng của toàn xã hội đối với môn thể thao được yêu thích nhất Việt Nam.
Tất cả mọi người đều tôn thờ bóng đá đẹp và bóng đá cao thượng không chỉ việc tôn vinh những cá nhân, tập thể có hành động đẹp mà còn đóng góp tiếng nói phê phán loại trừ hành vi phản cảm, giúp cho sân cỏ hạn chế đi nhiều hình ảnh xấu xí.
Một khi cái đẹp trên sân bóng nhân rộng ra, các thành phần tham gia vào cuộc chơi sẽ không có những tư tưởng vụ lợi cá nhân đặt trên quyền lợi tập thể. Tất cả đều hướng đến những điều tử tế trong bóng đá thì tự khắc cái xấu không còn tồn tại và những nét đẹp bóng đá sẽ được nhân rộng để làm tấm gương cho mọi người noi theo. Đơn cử như giải thưởng Fair Play 2018 đã vinh danh các cầu thủ U23 Việt Nam có hành động đẹp để giúp một trẻ em mắc bệnh ung thư.
Ngay trong ngày công bố, BTC đã nhận được các đề cử cho các hành động đẹp trên sân cỏ năm nay như trọng tài Nguyễn Kim Việt Bảo, người vừa sơ cứu cầu thủ nữ Kim Loan của TP.HCM 1 không phải cắn lưỡi ở giải vô địch bóng đá nữ quốc gia đang diễn ra tại Nha Trang. Tương tự, trọng tài Ngô Duy Lân cũng sơ cứu Thiện Đức của Bình Dương kịp thời tại vòng 8 V-League 2019 khi điều khiển trận B. Bình Dương và Hà Nội.
Bên cạnh đó, đề cử còn có pha ăn mừng cảm xúc của đội U19 Đà Nẵng khi giơ chiếc áo đấu số 3 của đồng đội Duy Bảo không may bị gãy chân để làm quà cho đồng đội. Và tại King’s Cup hồi đầu tháng, các cầu thủ đội tuyển quốc gia cũng đã tặng quà cho Đình Trọng khi ăn mừng trận thắng Thái Lan bằng việc giơ cao chiếc áo số 21 của đồng đội.
Các đề cử sẽ được Hội đồng gồm các chuyên gia bóng đá uy tín thẩm định. Sau đó, đề cử lọt vào VCK sẽ được lựa chọn từ 150 đại biểu là các chuyên gia, phóng viên thể thao, giám sát trận đấu và trọng tài thông qua phiếu bầu. Lễ công bố giải thưởng sẽ được diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2020.
V.H