HLV Hoàng Văn Phúc: 'Đã thấy một đội tuyển Việt Nam đầy sức trẻ'
HLV Hoàng Văn Phúc đã đưa ra những góc nhìn sắc sảo về diện mạo đội tuyển Việt Nam sau quãng thời gian HLV Philippe Troussier bắt tay vào việc "tái thiết".
* Thể thao & Văn hóa: Thật sự tiếc nuối khi đội tuyển Việt Nam "đánh rơi" 1 điểm ở thời khắc cuối cùng nhưng thực tế, chúng ta đã có một trận đấu ấn tượng phải không, thưa ông?
-HLV Hoàng Văn Phúc: Quả thật rất tiếc nuối! Đội tuyển Việt Nam xứng đáng có được trận hòa và nếu như thế sẽ vui hơn khi mà diễn biến thực tế đã đi theo đúng ý đồ của chúng ta cho đến thời điểm cuối cùng của trận đấu.
Đấu pháp hợp lý từ HLV Troussier cùng với việc tuân thủ tốt ý đồ chiến thuật của cầu thủ là những điểm nhấn lớn nhất mà đội tuyển Việt Nam để lại. Chính những điều đó đã giúp chúng ta đứng vững trong hiệp 1, đẩy cao được đội hình để chơi trong hiệp 2 và cũng đã có cơ hội để tiếp cận khung thành đối phương.
Khi đã phân tích, đánh giá sức mạnh của Iraq và xác định họ là đội "cửa trên" nên đội tuyển Việt Nam có đấu pháp rất tốt. HLV Troussier đã đưa ra cách tiếp cận trận đấu hợp lý, vừa vặn. Chúng ta chủ động chơi với số đông cầu thủ ở khu trung tuyến, tổ chức phòng ngự từnửa sân. Ngay cả những vị trí tấn công cũng tham gia phòng ngự.
Hiệp 1, mình chơi tốt cho dù chưa tiếp cận khung thành, chưa có cú sút nhưng chơi phòng ngự chủ động, hợp lý. Những điều chỉnh trong hiệp 2 chính là dấu ấn về chiến thuật của HLV Troussier ở trận đấu này khi có những thay đổi về nhân sự và chọn thời điểm những phút đầu hiệp 2 để đẩy cao đội hình chơi tấn công.
Có thể thấy, với những thay đổi để chơi tấn công trong hiệp 2, HLV Troussier dùng những cầu thủ không cần chiều cao nhưng có tốc độ tốt, chơi mềm mại, khéo léo để gây áp lực. Ví như rút Tiến Linh ra, kéo Tuấn Hải vào đá trung phong, Thanh Nhàn vào thay Văn Toàn, Đình Bắc vào sân chơi bám biên. Nhìn chung, sức trẻ đã giúp đội tuyển Việt Nam trong chừng 20 phút đầu hiệp 2 chơi rất có nét.
Ở đây, có chi tiết nhỏ khiến tôi "lăn tăn" và cũng hy vọng Ban huấn luyện sẽ nhìn ra để căn chỉnh trong thời gian tới. Đó chính là việc cần thận trọng, chỉn chu và có độ "nhạy" trong việc thay người vào sân. Thực tế gần 20 phút còn lại của trận đấu, Phan Tuấn Tài đã phải nén đau để thi đấu. Đồng đội đã phải liên tục "bó" cánh của Tuấn Tài để hỗ trợ trong nhiều tình huống. Với vị trí trung vệ lệch trái mà gặp "trục trặc" như thế trong suốt 20 phút thì rất nguy hiểm. Đặt trường hợp Tuấn Tài hoặc cầu thủ nào đó dính chấn thương, chúng ta đã hết quyền thay người.
Tựu trung lại, khi chúng ta đã đứng vững trong hiệp 1, chọn thời điểm để đẩy cao đội hình và chơi có nét, mảng miếng rõ ràng. Vậy nên, với bàn thua vào phút cuối cùng, quả thật để lại quá nhiều tiếc nuối.
Một tín hiệu tích cực nhất nằm ở chỗ, qua từng trận đấu, dấu ấn chiến thuật của HLV Troussier rõ nét hơn, lối chơi của đội tuyển Việt Nam cũng định hình rõ ràng hơn.
* Qua 2 trận thực chiến trước Philippines và Iraq đã gợi mở nhiều hơn "chân dung" của đội tuyển Việt Nam, vậy đâu là cảm nhận của ông về dấu ấn để lại ở buổi đầu cầm quân của HLV Troussier?
- Dấu ấn đáng kể nhất của HLV Troussiertừ ngày gắn bó với bóng đá Việt Nam là ông liên tục làm mới danh sách ĐTQG lẫn U23 quốc gia. Nhiều gương mặt lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Việt Nam. Từ đó, chỉ mong ông nhào nặn được một thế hệ cầu thủ mới tinh nhuệ đủ sức gánh vác trọng trách lớn cho bóng đá Việt Nam ở những mục tiêu trong tương lai với đích đến rất cụ thể: Được tham dự World Cup một ngày không xa.
Về triết lý huấn luyện, HLV Troussier đã nhấn mạnh tính quan trọng của sự linh hoạt chiến thuật. Yêu cầu đặt ra là các cầu thủ có thể tự động điều chỉnh vị trí và hành động tùy thuộc vào tình huống của trận đấu. Như đã nói, mỗi lối chơi đều có những điểm mạnh yếu khác nhau, cần con người phù hợp để đáp ứng cho lối chơi đó. Tóm lại, triết lý chơi bóng của HLV Troussier đòi hỏi cầu thủ phải đạt một trình độ cao, có nhiều cá nhân thực sự xuất sắc.
Việc trẻ hóa lực lượng sau 9 tháng miệt mài làm việc đã "định hình"một bộ khung, một lối chơi cho đội tuyển Việt Nam. HLV Troussier bước đầu đã thành công với những quyết định, sự lựa chọn dứt khoát cho "ván bài" mang tên "cải tổ" đội tuyển Việt Nam.
Hẳn nhiên, bất cứ thay đổi mang tính hệ thống đều vừa tạo ra bước ngoặt nhưng mạo hiểm cũng đi kèm. Vấn đề chúng ta thấy ở nhà cầm quân người Pháp là luôn kiên định với những gì ông ấy đề ra và thực hiện. Có vẻ, mọi thứ đều nằm trong toan tính của HLV Troussier cho quá trình đó.
Còn với người hâm mộ bóng đá nước nhà thì cảm nhận một "làn gió mới", tín hiệu tích cực của ĐTQG qua cuộc "cách mạng" của nhà cầm quân người Pháp. Đó chính là việc ông Troussier sẵn sàng trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ, bởi đó mới chính là những nòng cốt tương lai của bóng đá nước nhà, lãnh trọng trách chinh phục những mục tiêu cao hơn. Việc ông luôn nói mình chọn nhân sự dựa trên phong độ chứ không phải danh tiếng hay giải thích rằng tại sao chưa dùng Hoàng Đức đã như khẳng định cung cách cầm quân của HLV Troussier
* Vậy theo ông, lối chơi của đội tuyển Việt Nam đã được định hình thế nào sau thời gian HLV Troussier "tái thiết" các cấp độ đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh chuyển giao thế hệ?
- Ở cả ĐTQG lẫn U23 Việt Nam, HLV người Pháp "tổng động viên" gần cả 100 cầu thủ với quyết tâm thay đổi triết lý chơi cho bóng đá Việt Nam. Ông Troussier yêu cầu các học trò phải chuyển đổi lối chơi thay vì phòng ngự phản công, rình rập chờ cơ hội như trước đây bằng lối đá chủ động cầm bóng, giữ bóng, chuyền bóng liên tục và từ đó triển khai tấn công theo ý đồ. Phải ghi nhận, triết lý chơi bóng mà HLV Troussier đang áp dụng là tiên tiến. Một đội bóng muốn chiến thắng là phải làm chủ quả bóng để áp đặt cuộc chơi. Ý tưởng của HLV Troussier rất tốt, nhưng cần nhiều yếu tố tương hỗ, cần có chất lượng con người tốt nhất có thể.
HLV Park Hang Seo đã tạo dựng lối đá phòng ngự phản công đặc sắc để giúp bóng đá Việt Nam gặt hái thành công lớn trong thời gian qua. Tuy vậy, đội tuyển Việt Nam cũng đã chạm ngưỡng, đi đến giới hạn cao nhất cùng ông Park. Nếu tiếp tục triển khai lối chơi đó, chúng ta không có khả năng phá bỏ giới hạn để tiến lên đẳng cấp cao hơn. Thực tế, ở những giải đấu cuối cùng trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Park đã bắt đầu có những thay đổi nhưng cũng chưa thể tạo ra đột biến, sự tươi mới để có được hiệu quả. Bằng chứng là các thất bại liên tiếp ngay tại 2 kỳ AFF Cup liên tiếp.
Rõ ràng, để theo đuổi triết lý hoàn toàn mới của HLV Troussier, bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều thời gian. Thực tế, đội tuyển Việt Nam đã từng nhiều lần trẻ hóa. Tuy vậy, lứa trẻ mà ông Park thừa hưởng vừa tốt về năng lực, dày về kinh nghiệm. Họ đều là những nhân tố kinh qua một kỳ U20 World Cup 2017 quý giá để tích lũy kinh nghiệm. Đó là những cầu thủ vô cùng thiện chiến, đã ra sân ở nhiều giải đấu lớn nhỏ khi còn rất trẻ.
Còn lứa trẻ mà HLV Troussier sở hữu không thể sánh với các đàn anh. Bên cạnh đó những nhân tố trụ cột đã không còn ở thời kỳ đỉnh cao hoặc sút giảm phong độ
Đến đây, người hâm mộ chờ xem muốn biết HLV Troussier sẽ sử dụng những "người cũ" thế nào trong lòng ĐTQG vừa để tận dụng kinh nghiệm, năng lực vừa dìu dắt đàn em. Đánh thức tài năng, truyền cảm hứng để họ chơi với phong độ cao nhất vẫn là bài toán dành cho HLV Troussier cùng cộng sự ở chặng đường tiếp theo.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bóng đá luôn cần sự đổi mới, chuyển giao thế hệ để hướng tới tương lai. HLV Troussier đã từng có kinh nghiệm đưa các đội tuyển khác dự World Cup nên VFF đã trao cơ hội cho ông ấy. ĐTQG hiện nay có rất nhiều gương mặt trẻ. Tuy thế, không khó cảm nhận họ còn mất nhiều thời gian mới trở thành trụ cột. Có nghĩa, bộ khung mà HLV Park Hang Seo để lại vẫn đóng vai trò quyết định thành tích đội, dù nhiều cầu thủ đã không đạt phong độ tốt. Vậy nên, nói gì thì nói, những Hùng Dũng, Hoàng Đức, Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Quế Ngọc Hải, Văn Quyết, Đặng Văn Lâm vẫn sẽ đóng vai trò nòng cốt - HLV Hoàng Văn Phúc