HLV CAHN chê HAGL chơi 'tiêu cực: Câu giờ có đáng xấu hổ?
HLV Alexandre Polking lẫn thủ môn Nguyễn Filip bên cạnh lời chúc mừng chiến thắng dành cho HAGL nhưng cũng không ngần ngại phê phán lối đá phòng ngự, chủ động câu giờ của đối thủ. Vậy câu giờ có thực đáng xấu hổ?
Trước tiên phải khẳng định, có rất nhiều đáp án cho thắc mắc này và trả lời như thế nào, biện chứng ra sao lại tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Đặt trong trường hợp của một trận đấu cụ thể giữa HAGL và CAHN, thu hẹp phạm vi ảnh hưởng là HLV Polking hay thủ môn Nguyễn Filip thì đúng là việc câu giờ của đội chủ sân Pleiku, nay đã mang tên mới Pleiku Arena, là đáng chỉ trích.
Nếu nhìn vào con số thống kê: HAGL kiểm soát bóng chỉ 28,5%, CAHN là 71.5%; CAHN tung ra 30 cú dứt điểm, trúng khung thành 7 lần và có 534 đường chuyền; HAGL sút 5 lần trúng 3 và chỉ có 213 đường chuyền từ Fstats.ai thì quả thực, câu giờ đáng xấu hổ, nó giống với phát biểu của HLV Polking ở buổi họp báo sau trận đấu cuối tuần qua.
Vấn đề là ở chỗ, không có điều luật nào cấm các cầu thủ câu giờ, chế tài nếu có chỉ là những tấm thẻ phạt, cụ thể là thẻ vàng được trọng tài rút ra. Với HAGL, cụm từ "bóng đá đẹp" đã ở thì quá khứ, hiện tại, dưới thời GĐKT Vũ Tiến Thành, đội bóng phố Núi xem trọng kết quả, chiến thắng sau cùng mới là mục tiêu quan trọng nhất.
Đó cũng là nguyên nhân khiến HAGL dù trong đội hình không có quá nhiều ngôi sao, ngoại binh cũng chẳng là những cái tên nổi bật hàng đầu tại V-League nhưng hiện tại vẫn nằm trong tốp đầu V-League và họ biến Pleiku Arena thành nơi đi dễ, khó về.
Với BHL và các cầu thủ HAGL, cho dù HLV Polking, thủ môn Nguyễn Filip hay bất cứ ai đi chăng nữa chê họ đá tiêu cực, không đẹp mắt, thậm chí xấu hổ khi chiến thắng theo kiểu đó thì không ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách chơi lúc này đội bóng đang áp dụng.
Suy cho cùng, chỉ có bảo toàn chiến thắng, đồng nghĩa với 3 điểm trong mỗi trận đấu mới giúp HAGL không phải canh cánh nỗi lo trụ hạng mà thậm chí còn có quyền nghĩ đến mục tiêu lớn lao hơn. Bằng cách chơi đó, HAGL đạt được mục đích của riêng mình nhưng nghĩ rộng ra, đó không phải hướng đi để bóng đá Việt Nam tiến xa, trở thành đội bóng hàng đầu ở Đông Nam Á và nâng tầm tại châu Á. Điều này cũng khiến hình ảnh của giải đấu trở nên kém hấp dẫn, khó thu hút được những nhà tài trợ muốn quảng bá hình ảnh đẹp của thương hiệu, sản phẩm từ doanh nghiệp mình.
Chính Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú cách đây ít lâu từng phải thừa nhận rằng các cầu thủ ở V-League câu giờ quá nhiều, bóng lăn trên sân quá ít, làm giảm chất lượng trận đấu. Giải pháp mà VFF, VPF đưa ra là yêu cầu các trọng tài cộng thời gian bù giờ nhiều, tương ứng với số thời gian bóng chết, cầu thủ nằm sân.
Bản thân trọng tài Mai Xuân Hùng cũng phải cộng tới 12 phút đá bù cho trận đấu HAGL – CAHN nhưng rõ ràng không giúp làm giảm đi bao nhiêu bức xúc từ đội khách.
Suy cho cùng, câu giờ chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của V-League và nó cũng không phản ánh toàn bộ chất lượng giải đấu. Trách cầu thủ HAGL câu giờ lộ liễu, chơi thứ "bóng đá xấu xí", cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam nhưng nếu CLB CAHN tấn công đủ tốt, dứt điểm chính xác hơn thì họ đã có chiến thắng chứ không rơi vào cảnh trắng tay rời phố Núi.
Trách đối phương nhưng cũng phải nhìn vào điểm hạn chế của mình, đó mới là điều trọn vẹn và hoàn hảo với một ứng cử viên vô địch.