'Heal The World': Thế giới vẫn đang cần hàn gắn
- Michael Jackson 'hồi sinh' trong bản remix 'Say Say Say' với Paul McCartney
- Những kiệt tác bị bỏ rơi của Michael Jackson
Hơn 2 thập niên sau Heal The World vẫn được xem là một trong những bài thánh ca về quyền con người của Michael Jackson, là bài hát mà anh tự hào nhất, viết về những đứa trẻ mồ côi, về một thế giới không chiến tranh, không khủng bố “Hãy hàn gắn thế giới, biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn cho bạn, cho tôi và cho cả nhân loại”.
Không phải We Are The World
Khi Heal The World ra đời đã có nhiều nhà phê bình nhận xét rằng ca khúc này là một dạng “ăn theo We Are The World (ra đời năm 1985, là sáng tác của Michael Jackson và Lionel Richie) nhưng chưa tới lắm”, nhất là giai điệu hơi sến và tính cộng đồng không cao.
Michael Jackson sau đó nói rằng ca khúc này anh hoàn toàn không đi theo bánh xe của We Are The World, nó không mang tính kêu gọi toàn thế giới hãy chú ý đến nạn đói ở châu Phi như bài hit năm xưa mà đơn giản, năm 1991, những cuộc chiến sắc tộc, dầu lửa nổ ra khắp nơi và hậu quả để lại là những đứa trẻ vô gia cư, mất gia đình, cha mẹ, họ hàng và tuổi thơ của chúng mãi mãi không được hàn gắn.
Nhưng thực tế thì Heal The World được ra đời như thế nào? Một bài hát nổi tiếng như vậy nhưng câu chuyện sáng tác của nó lại không có nhiều tài liệu ghi lại.
Tất cả đều chỉ được biết rằng đây là một sáng tác của Michael, anh sáng tác khi đang thiền tại khu Giving Tree (lấy theo tên quyển truyện tranh rất nổi tiếng của tác giả Shel Silverstein phát hành năm 1964, ở Việt Nam có tên là Cây táo yêu thương) tại khu Neverland. Sáng tác xong Michael cũng là người duy nhất hòa âm ca khúc này.
Nhưng đến năm 2009, nhà linh trưởng học nổi tiếng người Mỹ, Jane Goodall, đã nói trên CNN rằng cảm hứng đầu tiên để Michael sáng tác bài này không phải là trẻ em mà từ… linh trưởng.
Lấy cảm hứng từ... linh trưởng
Là nhà hoạt động bảo vệ động vật trên 50 năm nên Jane Goodall rất được Michael Jackson yêu quý. Jane thường ghé Neverland kể cho anh nghe những câu chuyện từ thế giới động vật. “Anh ấy nghe say sưa và đòi tôi kể hết chuyện này đến chuyện khác. Anh ấy mê say chúng và mơ ước có một nơi đủ rộng cho động vật chạy nhảy, chơi đùa tự do như trong thế giới hoang dã” - Jane nhớ lại.
Sau này Michael đã nuôi một con linh trưởng tại Neverland và Jane đến thăm anh thường xuyên hơn. Một hôm Michael hỏi Jane có cần sự giúp đỡ gì của anh cho công việc của cô hay không? Đáp lại Jane nói rằng anh có thể làm bất cứ điều gì cũng đều tốt cả nhưng tốt nhất là có một bài hát để bảo vệ chúng.
Và đó chính là nguồn cảm hứng để Michael Jackson sáng tác nên Heal The World. Chỉ có điều khi bài hát ra đời thì ca từ lại chẳng liên quan gì đến động vật nữa. Trong CD Dangerous phát hành năm 1992 Michael Jackson cũng đã trang trọng đề tên Jane Goodall là người tạo cảm hứng cho anh sáng tác Heal The World. Và sau này Goodall nhớ lại: “Tôi và tổ chức của mình cũng chẳng nhận được xu nào từ bài hát này”.
Chuyện này cũng chẳng có gì là quá đáng bởi toàn bộ hàng triệu đô-la bản quyền bài hát được Michael Jackson chuyển hết vào Quỹ Heal The World của anh để từ đó giúp đỡ cho trẻ em ở khắp mọi nơi, đặc biệt là Mỹ, nơi có rất nhiều đứa trẻ vướng vào ma túy, nghiện ngập hay những đứa trẻ không đủ tiền đi tiêm chủng định kỳ…
Không ai biết vì sao đang từ đề tài động vật mà cuối cùng Heal The World lại trở thành một bài hát cho trẻ đầy xúc động như vậy. Khi anh mất đi, nhiều người đã lý giải rằng, có thể vào thời điểm năm 1992 Michael đang bắt đầu đối mặt với những tố cáo lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và bài hát này là một minh chứng cho tình yêu mà Michael dành cho trẻ nhỏ và đẩy những tin đồn đang ngày càng phình to, xuống đến mực thấp nhất.
Chỉ thua mỗi Whitney Houston
Vào thời điểm tháng 11/1992 đó, nếu không có bài hit I’ll Always Love You đang làm mưa làm gió của Whitney Houston thì có lẽ Heal The World của Michael Jackson đã thống trị gần như toàn cầu.
Nhưng người “về nhì” vẫn có một sức mạnh vô song. MV của bài hát hoành tráng kéo dài gần 7 phút mà lần đầu tiên, suốt chiều dài MV, Michael Jackson không xuất hiện. Tất cả hiện lên là cảnh hoang tàn chiến tranh, những đứa trẻ nằm trong nhà thương, nạn nhân của những cuộc chiến do người lớn gây nên. Thời điểm ấy đang là lúc hoàng kim của MTV và rất nhanh chóng Heal The World trở thành MV gây sốt toàn cầu.
Ở đâu Heal The World cũng được nói đến. Đi đâu Michael Jackson cũng mang theo Heal The World cho tiết mục cuối cùng. Ở Đức, Argentina, Romania hay Thái Lan... Michael cũng ưu ái mời trẻ em lên sân khấu hát cùng với anh.
Năm 1993, Michael Jackson tạo nên kỷ lục vào thời điểm ấy tại trận chung kết Super Bowl khi màn diễn giữa giờ của anh đã kéo theo gần 3.500 trẻ nhỏ lên sân khấu hát cùng anh. Toàn bộ khán đài lúc ấy đã biến hình thành màu cờ của nhiều quốc gia. Rất nhiều người cho rằng đó là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong chiều dài lịch sử của Super Bowl.
Điềm xấu trong MV
Nhiều người xem lại màn trình diễn này hẳn sẽ còn nhớ ở cuối bài hát Michael Jackson đã đứng cạnh và cầm tay một bé gái khoảng 13 tuổi. Đó chính là Ashley Farrell, người đã bắt giọng mở đầu gần một phút cho Heal The World và cũng chính cô là cô bé cầm hoa trong MV với hoạt cảnh ở phía sau lưng là chiến tranh tan nát.
Sau này cuộc đời của Ashley cũng trở thành nạn nhân của cuộc chiến. Năm 2003, chồng cô, trung sĩ Evan Ashcraft, đã chết trong một cuộc tập kích ở Iraq. Báo chí lúc ấy đã mô tả Ashley từ một người hàn gắn chiến tranh trở thành góa phụ của cuộc chiến.
Những cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc và Heal The World của Michael Jackson vẫn tiếp tục sức mạnh của nó.
Jackson từng hát Heal The World với ca sĩ nhí Việt |