Hãy dành một ngày đúng nghĩa cho doanh nhân Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, đã 13 năm kể từ lúc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định ngày 13/10 hàng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam.
Bạn hãy nhớ lại, lần gần nhất vì kinh tế khó khăn chẳng hạn, đã nghĩ đến một ngày nào đó sẽ đầu tư một số tiền rất quan trọng thử sức kinh doanh? Hoặc, trong quá khứ đã từng mơ ước trở thành một doanh nhân thành đạt? Hoặc, sau này sẽ hướng con cái bạn vào con đường kinh doanh?
Trong chúng ta, ai cũng muốn làm giàu. Câu “phi thương bất phú” vẫn vang vọng trong tâm trí, như mặt bên kia của khát vọng truyền thống: cố gắng học tập, ra trường phấn đấu có suất biên chế nhà nước, có địa vị vẻ vang gia đình và dòng tộc, tốt hơn nữa là làm quan to để “cả họ được nhờ”…
Cạnh chung cư tôi ở có quán mỳ Quảng khá ngon, do cặp vợ chồng quê Quảng Nam ra thuê kinh doanh. Hôm rồi thấy thằng cu con 15 tuổi ra đứng bán chính, đã thấy là lạ. Bố nó đứng bên cạnh, còn nó lúi húi múc nước nhân thịt gà ra tô cho khách.
“Mỗi tô 6 miếng thịt gà, nhưng con phải linh hoạt. Tùy miếng to, nhỏ, ngon, dở, đùi, cánh, cổ khác nhau, chứ cứ tô mô con cũng chan 5 miếng là không ổn. Có khi 6, thậm chí 7 miếng 1 tô. Mặt sao sưng lên thế, căng thẳng thế, vui vẻ, xởi lởi lên”. Ông chủ dặn con xong, quay sang cười với khách: “Thế đấy các bác, nó không học được chữ, bữa ni tui cho nghỉ học, kế nghiệp bố mẹ bán mì Quảng. Phải dạy dỗ kỹ từ đầu”.
Nhìn lời ông nông dân bán mì Quảng dạy con ngày đầu khởi nghiệp đơn giản vậy, nhưng ngẫm kỹ thấy cũng hội tụ khá đầy đủ những phẩm chất của một “doanh nhân” tốt.
Nếu thằng bé chí thú với nghề, cộng thêm may mắn, cũng có thể nó sẽ sống khỏe với quán mì, mà chẳng cần đến một tấm bằng đại học, một suất biên chế Nhà nước.
Nói thế chúng tôi không có ý bàn lùi cho sự học, nhưng thực tế, không ít tỷ phú trên thế giới chẳng có bằng đại học, khởi nghiệp với vạch xuất phát thấp, kiểu cậu bé 15 tuổi bán mì Quảng kia.
***
Không chỉ mới đây, khi Bộ Công Thương cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh, gỡ bỏ nhiều thủ tục hành chính, kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu, thì doanh nghiệp mới cảm nhận được quá nhiều “vòng kim cô” đang thít lên đầu họ.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ với các thành phần doanh nghiệp, cũng nhằm hoàn thiện thể chế, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, chỉ số an toàn cao cho doanh nghiệp, tạo động lực phát triển của nền kinh tế.
Là người sống ở Đà Nẵng, người viết cảm nhận sâu sắc nỗi khổ tâm của doanh nghiệp hai năm qua, khi thành phố bên sông Hàn có quá nhiều biến động.
Vậy nên, chỉ khi tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh tốt đột biến, cảm hứng khởi nghiệp sẽ bừng khởi ở giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, vốn còn nặng suy nghĩ tìm việc nhà nước cho an toàn. Tự khắc, những vấn đề nhức nhối như thói quen lách luật, sự xuống cấp văn hóa, đạo đức kinh doanh, các đại án, sẽ từng bước được cải thiện. Và, doanh nghiệp Việt Nam lúc đó mới nghĩ đến chuyện đưa tên tuổi mình vươn xa, tạo những thương hiệu toàn cầu.
Nhiều người bảo cô thủ khoa nọ hãy an tâm nuôi lợn cũng không sao, nhưng xin nhắc lại, sự nghiệp nuôi lợn cũng không dễ chút nào: vốn liếng, kỹ năng, quan trọng nhất là đầu ra, trong bối cảnh hàng loạt thương phẩm thường xuyên ở cảnh huống cần giải cứu.
Hôm nay, nếu tất cả chúng ta dành một ngày để tôn vinh, phụng sự các doanh nghiệp Việt bằng hành động thiết thực, có lẽ sẽ giá trị hơn mọi lời chúc.
Hữu Quý