Hành trình của sự sống
(Thethaovanhoa.vn) - Diễn ra từ gần một tháng trước, nhưng chỉ đến những ngày vừa qua, chúng ta mới được biết về một hành trình xuyên Việt vô cùng cảm động.
- Đôi mắt Hải An
- Cảm hứng từ bé Hải An hiến giác mạc: Hàng trăm đơn đăng ký hiến tạng
- VIDEO: Câu chuyện xúc động về bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời
Hành trình ấy gắn với một phần cơ thể của thiếu tá quân đội Lê Hải Ninh, sống tại Ninh Bình. Gặp nạn khi làm nhiệm vụ - và qua đời ở tuổi 45 - gia đình Ninh đã quyết định hiến tặng vô điều kiện phần mô/tạng của anh để giúp đỡ những bệnh nhân cần thiết.
Để rồi, trưa 26/2, trái tim của người chiến sĩ ấy đã được đưa ra khỏi lồng ngực anh và chuyển bằng máy bay vào TP.HCM. Đích đến của nó là bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có một chàng trai 29 tuổi bị bệnh tim nặng, gia đình quá nghèo và không dám mơ ước tới một điều gì xa vời.
Hành trình vượt 1600 km từ phía Bắc tới TP.HCM không đơn thuần chỉ là một chuyến bay. Nó gắn với những đòi hỏi hết sức ngặt nghèo về điều kiện đặc thù của ngành y - khi mà các chuyên gia nước ngoài đã khuyến cáo rằng chỉ nên vận chuyển quả tim trong vòng 500 km, và gói gọn trong 4 – 6 giờ đồng hồ kể từ khi được lấy ra cho tới thời điểm ghép vào một cơ thể khác.
Ca phẫu thuật thành công. Để rồi, chỉ vài tiếng sau, tiếp tục một quả thận của thiếu tá Ninh lặp lại một hành trình xuyên Việt tương tự và được ghép cho một cô gái 25 tuổi người Ninh Thuận. Rồi tiếp tục, một quả thận, lá phổi và 2 giác mạc của anh được ghép cho 4 bệnh nhân ngoài Bắc.
Và như thế, một phần cơ thể của người đàn ông ấy đã lần lượt mang lại sự sống và hạnh phúc, cho 6 công dân ở những miền đất khác nhau.
***
Có một sự trùng hợp thú vị. Ngày 26/2 – thời điểm diễn ra hành trình “xuyên Việt” cùng trái tim của thiếu tá Ninh – cũng là ngày diễn ra 2 ca phẫu thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Chủ nhân của phần giác mạc được ghép ây là bé Hải An, 7 tuổi.
An sinh sau thiếu tá Ninh gần 40 năm và qua đời vì bệnh ung thư 4 ngày trước đó. Mẹ của em, như lời kể, đã trao đổi và được sự đồng ý của An trong những ngày cuối cùng, để đi tới quyết định tặng một phần cơ thể của An cho những người bệnh đang cần phẫu thuật.
Di nguyện của bé An, cũng như bản thân câu chuyện ấy, được dư luận đón nhận với rất nhiều nước mắt. Và, đặt bên cạnh những giọt nước mắt ấy, có lẽ bất cứ lời tôn vinh nào dành cho nghĩa cử của mẹ con em cũng là thừa.
Bởi, chỉ riêng lời khẳng định từ hai bệnh nhân được An hiến giác mạc đã đủ để chúng ta hiểu về sự trân trọng mà cộng đồng dành cho em. Họ nói mình sẽ giữ gìn đôi mắt này – để rồi sau này chết đi, lại sẵn sàng hiến lại giác mạc của Hải An một lần nữa cho người khác, với hi vọng đôi mắt ấy còn mãi.
Chuyện của An diễn ra song song, nhưng được dư luận biết đến trước trường hợp của thiếu tá Ninh. Và, nếu câu chuyện thứ nhất khiến chúng ta rơi nước mắt về di nguyện của một cô bé 7 tuổi, thì câu chuyện sau đó lại khiến chúng ta xúc động và thấy ấm áp, khi một người đàn ông có thể đem lại hạnh phúc cho 6 người khác bằng những phần cơ thể của mình.
Khác nhau về độ tuổi, về hoàn cảnh sống, nhưng người đàn ông trung niên và cô bé 7 tuổi ấy cùng gặp nhau ở một điểm chung: họ (và gia đình họ) muốn mình vẫn có ích kể cả khi đã chia tay với cuộc sống. Như cách so sánh của cộng đồng, đấy là những câu chuyện của tình thương yêu, để thân xác của người đã khuất không còn là cát bụi theo như quy luật thông thường.
Và tôi muốn lặp lại một lần nữa: với sự chia sẻ ấy, mọi lời khen đều là không đủ - mà chỉ có thực tế đang diễn ra mới đủ để chúng ta tin rằng bé An và anh Ninh đã gieo những hạt giống tốt nhất về tình thương yêu cho cộng đồng.
Minh chứng cụ thể: theo số liệu của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, trong những ngày gần đây, lượng người đăng ký tình nguyện hiến tạng đã tăng lên gấp 12 lần so với trước.
Anh Bảo