'Hành trang' vượt vũ môn
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa thi, câu chuyện dạy thêm lại trở thành tâm điểm chú ý. Báo chí vẫn lao xao những câu chuyện cũ; vẫn phân tích những nỗi thống khổ của học sinh từ việc dạy thêm; vẫn chê trách giáo viên, phụ huynh đang ép con em theo “cuộc chơi” của người lớn.
Nhưng, cách tiếp cận này e chừng không còn đủ thuyết phục. Bởi, dạy thêm - học thêm là nhu cầu rất thật, là “hành trang” của tất cả các phía tham gia vào cuộc đua “vượt vũ môn” khốc liệt: học sinh, giáo viên, phụ huynh.Mẹ tôi nguyên là giáo viên dạy văn cấp 3. Trong những ngày bao cấp, miếng ăn không đủ nên tiền học thêm là điều không tưởng. Và cũng như hiện nay, ngày đó, giáo viên không thể sống bằng đồng lương của mình.
Nên, ngay sau tiết học giảng những điều thiêng liêng, vời vợi của văn chương, bà đã ra ngôi chợ cóc gần trường, bán những thứ lặt vặt, để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Đôi khi gặp học sinh ở chợ mà giáo viên không dám ngẩng mặt lên.
Các giáo viên khác trong trường thời đó đều thế. Họ đều phải tìm cách này, cách khác để sinh nhai. Bởi, trước khi đứng trên bục giảng và được xã hội ngợi ca là “những người lái đò”; “nghề cao quý”… họ cần phải sống và nuôi con. Câu chuyện này đã được khái quát hóa bằng hình ảnh người thầy bán rau ở chợ mà nhất quyết không cho ghi hình trong bộ phim Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy.
Đến thời mở cửa, kinh tế đi lên, thay vì con gà, mớ rau, mẹ bán chất xám của mình, vào những buổi dạy thêm, luyện thi đại học, tại nhà. Trong những ngày Hè ôn thi oi nực, toàn bộ số quạt ở nhà được dùng cho buổi ôn thi.
Cả cô cả trò đều một lòng làm hết sức để hướng tới mục tiêu: đỗ đại học. Khỏi cần nói thêm, từ ngày ấy tới tận bây giờ, trong xã hội trọng bằng cấp, bước ngoặt đại học vẫn quan trọng với cuộc đời con người.
Hồi đó, những phản ánh tiêu cực về việc dạy thêm vẫn rải rác xuất hiện, nhưng chưa gắt gao. Nên cô trò vẫn thoải mái một cách tương đối trau dồi kiến thức để ôn thi.
Nay, cùng với quy định cấm dạy thêm, học thêm, còn có một “lệnh cấm” khác mạnh hơn rất nhiều. Đó là sự kỳ thị từ “tòa án dư luận”. Trong khi lương giáo viên sau nhiều lần “cải thiện” đã lên tới chừng… hơn 3 triệu đồng cho giáo viên mới vào nghề.
Độ gần đây, nhiều giáo viên đã lên tiếng, về việc dạy học trò mà phải chui lủi như làm một điều gì đó vi phạm đạo đức khủng khiếp. Nhiều học trò cũng lên tiếng rằng họ cần người hướng dẫn, để có kết quả tốt nhất cho kỳ thi. Nhưng, việc dạy thêm - học thêm vẫn bị gắn nhãn “vấn nạn”.
Đã có những giáo viên đưa câu hỏi chất vấn trực tiếp, trên mặt báo: Nếu chúng tôi bán mớ rau thì chúng tôi được coi là cao quý, còn chúng tôi bán chất xám của mình thì bị coi là vấn nạn, tại sao?
Đó là câu hỏi thẳng vào bản chất của vấn đề. Chưa nói đến việc tăng thu nhập cho “người bán chất xám”, mà từ cả phía “người mua”, có lẽ chẳng học trò nào muốn học thêm vất vả nếu như áp lực kỳ thi không quá gắt gao khiến các em và phụ huynh các em không thể bằng lòng với những gì được học chính khóa.
Dạy thêm - học thêm như là giải pháp chẳng đặng đừng để tự tin hơn khi dấn thân vào cuộc đua khốc liệt mang tên thi cử.
Việc giải quyết câu chuyện này cần tiếp cận vào căn cơ của vấn đề. Việc gây áp lực, xử phạt giáo viên dạy thêm là giải pháp dễ làm nhất nhưng không phải là giải pháp tốt nhất.
Mấu chốt của vấn đề là nội dung đề thi, là áp lực thi cử với học sinh, gia đình và toàn xã hội. Đó là bài toán khó nhưng ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào vấn đề mới mong giải quyết rốt ráo, và không bội bạc với người trong ngành.
Bằng không, điểm thi đầu vào của ngành sư phạm sẽ tiếp tục “giảm bền vững”, như những năm gần đây. Trong khi, giáo dục là ngành chúng ta cần những người ưu tú bậc nhất.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần