Hành lang pháp lý cho 'hiệp sĩ' đường phố: Hai năm nay, Công an thành phố vẫn đang nghiên cứu, kiến nghị
(Thethaovanhoa.vn) - Các nhóm "hiệp sĩ" đường phố là hoạt động tự phát của người dân trong phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các nhóm "hiệp sĩ" đường phố cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập.
- Cư dân mạng kêu gọi quyên tiền cho con trai hiệp sĩ đường phố
- Sao Việt kêu gọi ủng hộ hai hiệp sĩ đường phố Sài Gòn
- Thư Bộ trưởng Công an Tô Lâm thăm hỏi 'Hiệp sĩ đường phố' đã hy sinh: 'Truy bắt bằng được đối tượng gây án'
Thành lập tự phát và hoạt động được một thời gian, các nhóm “hiệp sĩ" đường phố tại TP Hồ Chí Minh đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ lực lượng Công an phòng chống tội phạm và được chính quyền ghi nhận.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 100 “hiệp sĩ” đường phố, tập trung hoạt động trong các nhóm theo từng địa bàn. Để mô hình này hoạt động an toàn, tiếp tục phát huy hiệu quả, cần những biện pháp hỗ trợ của cơ quan chức năng, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra đêm 13/5 vừa qua.
Nguy hiểm rình rập
Các nhóm "hiệp sĩ" đường phố là hoạt động tự phát của người dân trong phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các nhóm "hiệp sĩ" đường phố cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập.
Đó là hoạt động thường thiếu định hướng, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ và thiếu kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống bất ngờ, phức tạp, đột xuất... Vụ việc đêm 13/5 đã cho thấy sự nguy hiểm của việc người dân, các “hiệp sĩ” tham gia bắt cướp.
Anh Đỗ Công Tường, thành viên của nhóm “hiệp sĩ Tân Bình” cho biết, dù biết nguy hiểm nhưng anh và các “hiệp sĩ" trong nhóm vẫn còn nguyên nhiệt huyết, chung một chí hướng, dùng tâm tư và sức lực để giúp xã hội mà không tư lợi cho bản thân. “Mình không thể chùn bước. Sự mất mát đó để anh em "hiệp sĩ" lấy làm bài học, rút kinh nghiệm, cẩn trọng hơn", anh Tường chia sẻ.
Không đòi hỏi công lao mà tình nguyện chỉ vì lợi ích xã hội, anh Lê Ngọc Phú, “hiệp sĩ” Tân Bình tâm sự, chỉ khi người thân hay gia đình mình gặp nạn mới cảm nhận được chuyện bất bình đó. Mong muốn của anh Phú cùng nhóm 15 "hiệp sĩ Tân Bình" là được chính quyền địa phương hỗ trợ để được hoạt động chính thức, công khai, có biện pháp nghiệp vụ, phòng vệ trước những đối tượng manh động, có hung khí.
Đang nằm điều trị tại bệnh viện, ông Trần Văn Hoàng, nhóm trưởng nhóm “hiệp sĩ Tân Bình” kể rằng, gia đình ông có 3 người tham gia bắt cướp, bao gồm cả con trai và vợ. Mặc dù không có công cụ hỗ trợ nhưng mọi người không thể đứng nhìn người dân bị cướp nên bất chấp nguy hiểm để đảm bảo an toàn trật tự, an toàn tính mạng cho người dân.
Đại diện nhóm “hiệp sĩ Tân Bình" rất mong muốn được thành lập đội, nhóm hoạt động giữ gìn an ninh trật tự dưới sự quản lý của chính quyền hay tổ chức nào đó có nội qui, qui định để tránh những trường hợp, động cơ vì lợi ích cá nhân.
Cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp
Qua vụ việc hai “hiệp sĩ” tử vong do bị nhóm cướp chống trả vào đêm 13/5, lãnh đạo và người dân TP Hồ Chí Minh lo lắng cho sự an toàn của những “hiệp sĩ” khi “hành hiệp”. Qua đó, cũng đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết để tránh những sự việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra.
Theo anh Lê Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc là chủ trương của toàn xã hội. Việc mọi người dân tham gia, đặc biệt là những cá nhân hay nhóm người tích cực tổ chức thành “đội, nhóm” tham gia thể hiện tính tích cực, cùng làm những việc làm tốt cho xã hội. Tuy nhiên, hiện TP Hồ Chí Minh chưa có chủ trương thành lập nên những việc làm của các "hiệp sĩ" mang tính tự phát. Về mặt pháp lý, đây là sự thiệt thòi cho các "hiệp sĩ" khi gặp nạn.
Anh Lê Hồng Sơn cho rằng, thành phố cần nghiên cứu để những người tình nguyện, nhiệt huyết có cơ hội thể hiện và phát huy tinh thần tích cực tham gia phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu, chọn lọc, kiểm tra thật kỹ nhằm tránh tình trạng lạm dụng hay tham gia vì lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Dũng Hùng, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn dân cư đã có ban bảo vệ khu, ban bảo vệ nhân dân… do lực lượng Công an địa phương đề xuất và chính quyền ra quyết định thành lập.
Vì thế, để hỗ trợ những người tình nguyện tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự, bảo vệ an ninh Tổ quốc thì khuyến khích chính quyền hay người dân địa phương thành lập. Để các đội nhóm này hoạt động hiệu quả, ông Nguyễn Dũng Hùng cũng cho rằng ngành Công an cần hỗ trợ trang bị áo giáp, kỹ năng, các biện pháp nghiệp vụ và nguyên tắc phối hợp hỗ trợ nhanh.
Về bản chất, các nhóm "hiệp sĩ" đường phố không phải là đơn vị có chức năng chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống tội phạm theo pháp luật quy định nên hiện nay không thể trang bị công cụ hỗ trợ hay chế độ cho những nhóm này. Chính quyền và Công an TP Hồ Chí Minh hoan nghênh ý thức của người dân tham gia phong trào phòng, chống tội phạm dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với khả năng, điều kiện cho phép, đúng quy định của pháp luật.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, về mặt pháp lý Công an thành phố không thể công nhận và quản lý mô hình “hiệp sĩ đường phố”. Hai năm nay, Công an thành phố vẫn đang nghiên cứu, kiến nghị.
Dưới góc độ đơn vị tham mưu, Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Công an thành phố sẽ kiến nghị những giải pháp như nghiên cứu định hướng hoạt động của các nhóm tham gia phòng, chống tội phạm, trang bị kiến thức pháp luật đầy đủ, tập huấn kỹ năng cần thiết, phương án xử lý các tình huống truy bắt tội phạm quả tang...
“Để mô hình này hoạt động an toàn và có hiệu quả, khi phát hiện tội phạm, các nhóm "hiệp sĩ" đường phố nên cung cấp thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật cho lực lượng Công an để có sự phối hợp truy bắt tội phạm kịp thời, hiệu quả. Nếu trong trường hợp khẩn cấp, quả tang, cần phải có phương án và tính toán cẩn thận, chu đáo theo phương châm ưu tiên bảo đảm an toàn cho mình và người dân”, Đại tá Nguyễn Sĩ Quang nhấn mạnh.
Khi đến thăm những người bị thương vào ngày 14/5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sẽ chỉ đạo Công an thành phố tìm biện pháp bảo vệ các "hiệp sĩ" đường phố, không có lý do gì mà không bảo vệ những con người đã xả thân vì sự bình yên của người dân.
Thành phố cũng sẽ vận động nguồn xã hội hóa trang bị các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ để các “hiệp sĩ” bảo vệ an toàn tính mạng của mình, bởi càng ngày tội phạm cướp giật càng trang bị nhiều hung khí nguy hiểm tấn công lại các “hiệp sĩ" đường phố.
Thành Chung - Thanh Vũ (TTXVN)