Hàng không lấp chỗ trống thiếu hụt tàu bay
Trong khi thị trường hàng không tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ việc sụt giảm quy mô đội tàu bay do triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, các hãng hàng không Việt Nam đang tìm nhiều phương án; trong đó, bổ sung, thay thế các tàu bay đang dừng khai thác ngay trong cao điểm Hè.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính tới tháng 7/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam được cấp chứng chỉ khai thác tàu bay AOC (Air Operator Certificate) là 195 chiếc, giảm 36 chiếc.
Về số tàu bay khai thác trung bình 167 chiếc, giảm 51 chiếc so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, tỷ lệ tàu bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trên tổng số tàu bay được cấp AOC đạt 94,4%. Do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất tàu bay nên tỷ lệ này của năm 2024 giảm xuống chỉ còn 85,6%.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2024 sẽ đạt xấp xỉ 78,3 triệu khách và 1,21 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 7,7% về hành khách và 13,4% về hàng hóa so với năm 2023.
Để tăng nguồn cung cho thị trường hàng không nội địa, các hãng hàng không nội địa liên tục thông báo thuê máy bay thời gian gần đây.
Từ đầu năm đến nay, Hãng hàng không Bamboo Airways đã thuê ướt 3 máy bay và tập trung vào các đường bay du lịch đang có nhu cầu cao vào dịp Hè như các đường bay kết nối với Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn…
Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho hay, hãng đã nỗ lực bổ sung máy bay phục vụ thị trường nội địa thông qua việc tìm kiếm, đàm phán với các đối tác trên khắp thế giới. Hãng dự kiến tiếp tục thuê thêm 1 máy bay trong giai đoạn từ nay đến cuối năm để mở thêm các đường bay nội địa như Tp. Hồ Chí Minh – Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh – Thanh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh – Phú Quốc… phục vụ hành khách.
Về phía Hãng hàng không Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Lê Hồng Hà dự báo, tình trạng thiếu hụt máy bay có thể kéo dài sang năm 2025. Hiện Vietnam Airlines đã đưa ra nhiều giải pháp bao gồm việc tạm dừng hoặc giảm tần suất một số chặng bay ở giai đoạn thấp điểm, không hiệu quả, tăng giờ bay…Ngoài ra, hãng cũng đã thuê ướt một số máy bay, cao điểm Tết thuê thêm 2 chiếc và kế hoạch từ nay cuối năm thuê thêm 5 chiếc.
Vietnam Airlines tập trung đẩy mạnh khai thác các chuyến bay sáng sớm, tối muộn với giá vé hấp dẫn và chuẩn bị nhận thêm các máy bay Airbus A320neo, Boeing 787-10 ngay trong tháng 7.
Trước đó, Vietnam Airlines ghi nhận, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay trong khung giờ từ sau 21 giờ tối đến trước 5 giờ sáng vào tháng 5, 6 đến các điểm du lịch trọng điểm như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Quốc… đạt cao, từ 75-94%.
Về phía Hãng hàng không Vietjet có kế hoạch nhận 10 tàu bay từ nay đến cuối năm; trong đó, có 8 tàu A321Neo và 2 tàu E190. Sang năm 2025, Vietjet dự kiến tiếp tục nhận tàu A321Neo, tàu A330-300, tàu E190 và tàu Boeing 737 Max.
Tuy vậy, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm chỉ ra các hãng cũng khó tìm được tàu bay thuê để bổ sung do giá thuê tăng cao. Cùng với đó, giá nhiên liệu cũng tăng cao, hay chênh lệch tỷ giá ngoại tệ... cũng là trở ngại. Các yếu tố này khiến nguồn cung bị ảnh hưởng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá vé máy bay trên các đường bay nội địa.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cũng nhận định: Thời gian tới, ngành hàng không còn đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc thiếu tàu bay, tái cơ cấu, sắp xếp đường bay, giá nhiên liệu tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ…
Đối với việc thiếu tàu bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ, Thứ trưởng đề nghị các hãng hàng không báo cáo rõ các phương án cần Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như bảo đảm an toàn bay.
Sản lượng vận chuyển 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 37,5 triệu khách, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 96% cùng kỳ năm 2019 - thời điểm hoạt động hàng không đang trên đà tăng trưởng tốt; với điểm sáng là hoạt động khai thác thị trường quốc tế với sản lượng đạt 20,2 triệu khách, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng với cùng kỳ năm 2019.
Về chỉ số bảo đảm an toàn, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (USOAP – ICAO) đánh giá Việt Nam với điểm số trung bình 77,1%, tăng 11,54% so với kết quả đánh giá năm 2016 và nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số đảm bảo an toàn cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (65,31%) và mức trung bình của thế giới (68,81%).