Hai thập niên trước World Wide Web thế giới đáng lẽ đã có mạng internet
(Thethaovanhoa.vn) - Khi những trái bom đầu tiên rơi trúng Dinh Tổng thống Chile, có hai người đàn ông cố cứu thoát một vali chặt cứng tài liệu, băng từ và thẻ đục lỗ ra khỏi Cơ quan Phát triển kinh tế CORFO đang bị quân lính vây chặt. Đó là ngày 11/9/1973, ngày Allende bị quân đội dưới quyền tướng Pinochet đảo chính.
“World Wide Web (mạng lưới toàn cầu), viết tắt là WWW hoặc Web, là một không gian thông tin toàn cầu mà mọi người có thể truy nhập (đọc và viết) qua các máy tính nối với mạng Internet. Web được viện sĩ Viện Hàn lâm Anh Tim Berners-Lee, một chuyên gia tại Thụy Sĩ, phát minh ngày 12/3/1989” - trích từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, có lẽ là nguồn tham khảo được yêu thích nhất trên mạng hiện nay.
“Không phải cái gì trên Wikipedia cũng đáng tin cậy”
… vì đơn giản là ai cũng có thể đóng góp một bài viết theo chủ đề nhất định. Dù chỉ được công bố sau một quá trình thẩm định nghiêm ngặt, nhưng với tổng số hàng chục triệu bài viết từ khắp các vùng miền trên địa cầu, Hội đồng Wikipedia khó lòng bảo đảm được sự chính xác của mọi thông tin, bất kể đó là tiểu sử của Hitler hay diễn biến của bệnh bạch hầu, quá trình sinh sản của sâu róm hay đặc tính địa lý của quần đảo Hạ Uy Di...
Và trớ trêu thay, thông tin đã dẫn ở trên lại không chính xác. Gần hai thập niên trước Tim Berners-Lee, một người Anh, đã kiến tạo mạng Computer toàn quốc ở một nhà nước xã hội chủ nghĩa, chính xác hơn là dưới sự lãnh đạo của một tổng thống hướng tới chủ nghĩa xã hội: Salvador Allende.
Khi những trái bom đầu tiên rơi trúng Dinh Tổng thống Chile, có hai người đàn ông cố cứu thoát một vali chặt cứng tài liệu, băng từ và thẻ đục lỗ ra khỏi Cơ quan Phát triển kinh tế CORFO đang bị quân lính vây chặt. Đó là ngày 11/9/1973, ngày Allende bị quân đội dưới quyền tướng Pinochet đảo chính.
Raul Espejo và Guillermo Toro làm việc cho chính phủ Allende tại một tổ chức mà giới truyền thông cánh hữu ngày ấy quen gọi là “cỗ máy cộng sản”: Dự án Cybersyn, một mạng lưới computer nối liền 400 cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Chile, dưới sự điều phối từ một trung tâm. Cha đẻ của hệ thống này là chuyên gia điều khiển học và tư vấn doanh nghiệp người Anh, Stafford Beer. Trong vòng hai năm ông nhận nhiệm vụ của Bộ Kinh tế Chile để thực thi công trình mang tính “khai sơn phá thạch” cho thế giới mạng này.
Giám đốc kỹ thuật Raul Espejo nhớ lại:
… “Đó là một người Anh cao lớn râu rậm, lúc nào cũng vui vẻ, một tay cầm xì-gà còn trong tay kia là ly Whisky. Lần nào nói chuyện với ông ta tôi cũng có cảm giác là ông có trí tưởng tượng nhăng cuội, nhưng ông là một thiên tài”.
Cơ quan Phát triển kinh tế CORFO tin tưởng sắt đá là hệ thống các nguyên tắc quản lý của Beer không chỉ nâng cao hiệu suất của các doanh nghiệp, mà của cả một nền kinh tế quốc dân, ngay cả ở một quốc gia kém phát triển như Chile.
Chính phủ Chile của Allende sau khi thắng cử năm 1970 không chủ trương rập khuôn nền kinh tế tập trung theo hình mẫu Liên Xô, mà tìm con đường trung gian giữa kinh tế có kế hoạch và kinh tế thị trường. Họ đặt nhiều kỳ vọng vào môn điều khiển học như một ngành khoa học phổ quát, một phương tiện điều phối các hệ thống sóng và hệ thống kỹ thuật. Thập niên 1960 vốn được gọi là kỷ nguyên của lòng tin vào tiến bộ, và ngành điều khiển học hứa hẹn giải quyết các vấn đề cộng tác giữa con người và máy móc.
Dân chúng Chile đang ở một tình trạng phân cực sâu sắc. Cuộc cải cách xã hội của Allende tuy đem lại nhiều lợi quyền cho giai cấp vô sản, nhưng thế lực bảo thủ đối lập, với sự chống lưng của Hoa Kỳ, chống lại mãnh liệt quá trình quốc hữu hóa. Ngân hàng Thế giới cắt mọi khoản tín dụng khiến chính phủ giảm thiểu tối đa các khoản chi công. Nhiệm vụ của Beer là nâng cao hiệu suất nền kinh tế trong điều kiện kham khổ đó.
“Đánh giá năng lực kinh tế của một quốc gia thông qua thống kê thì chẳng khác gì muốn đi tàu hỏa mà lại tra bảng giờ tàu của năm ngoái” - đó là câu cửa miệng của ông.
Beer kiểm tra sản xuất theo thời gian thực
… và đề xuất lắp Computer vào mỗi nhà máy quan trọng của Nhà nước, sau đó các dữ liệu như công suất máy, mức độ vận hành, nhu cầu vật tư và năng lượng, cho đến số người nghỉ ốm... được nạp tắp lự vào máy tính, sau đó truyền theo đường điện thoại về máy tính trung tâm đặt trong Dinh Tổng thống. Tại đây, một phần mềm mang tên Cyberstride sẽ xếp các dữ liệu vào một quan hệ tương tác để trung tâm luôn theo sát tình hình thời sự. Giống như tín hiệu báo cảm giác đau lên não khi ta bị đứt tay, phần mềm này sẽ đổ chuông báo động nếu một định mức nào đó không đạt được.
Ví dụ: khi lượng dầu đốt và than đá xuống quá giá trị tối thiểu cho phép, máy tính sẽ tự động phát lệnh tiếp viện từ cơ sở nào có trữ lượng lớn nhất vào cùng thời điểm. Cùng một chuyên gia hỗ trợ phát triển người Đức tình cờ có mặt ở địa phương, Beer dựng lên một bộ tư lệnh theo hình mẫu quân sự. Ở đây không chỉ có cái nhìn tổng quát với mọi dữ liệu cần thiết, mà còn để ra mọi quyết định chiến lược dựa trên mô hình mô phỏng tương lai.
Dù tham vọng lớn, tình hình kinh tế không cho phép Beer phát triển tiếp ý đồ vĩ đại của mình. Thêm vào đó, sau thất bại ở Việt Nam, Mỹ rắp tâm ngăn chặn phong trào cộng sản ở châu Mỹ Latin. Nixon và Kissinger đổ tiền vào ủng hộ các cuộc đình công lớn nhỏ ở Chile và rốt cuộc đưa được Augusto Pinochet lên nắm quyền, sau khi Allende tự sát tại phòng làm việc trước thất bại nhãn tiền. Chile chìm trong bể máu với hàng ngàn nạn nhân, bị áp đặt một hệ thống được gọi là “liệu pháp sốc” còn dư âm đến hôm nay.
Ở đó không có chỗ cho ý tưởng vĩ đại của Stafford Beer.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần