Hai câu hỏi của Ngày Thơ, ai đáp?
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Thơ Việt Nam 2016 khai mạc vào sáng 22/2 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Năm nay, việc sân thơ Thiếu nhi kết hợp với sân thơ Trẻ là một thay đổi khiến nhiều người chờ đợi là sẽ trẻ hóa Ngày Thơ.
- Ngày Thơ: 'Phải làm gì khi nhiều người nude để chứng tỏ mình ngây thơ?'
- Ngày Thơ Việt Nam lần 14: Ra mắt liên khúc thơ 'Biển đảo, biên cương'
Trong sân thơ, Ngô Gia Thiên An là một cá tính thơ trẻ nổi bật, đã in thơ từ khi còn rất nhỏ tuổi. Cô được giới thiệu là “lạ, vừa hồn nhiên vừa từng trải, vừa thời sự, bản năng, lại vừa sâu sắc”.
Trên sân khấu, cô đã đọc bài thơ Con phải làm gì? Với một câu hỏi lạ của một người tuổi 17 khiến nhiều người suy nghĩ: “Con phải làm gì trong thế giới cao cả này? Khi rất nhiều người nude để chứng tỏ mình ngây thơ/ Con phải làm gì trong thế giới cao cả tốt đẹp? Khi các sao lộ ảnh hot tràn lan và các paparazzi cười thầm trong bụng/ Con phải làm gì khi bụng ngập đầy những thông tin nhảm nhí?” - khi Thiên An cất cao giọng đọc thơ, khán giả lắng nghe chăm chú.
“Con phải làm gì khi thế giới quá thông minh trong suy diễn làm đau lòng người khác? Người ta chạy nháo nhác trốn căn bệnh ung thư xã hội/ Có lẽ con nên biến thành kẻ ngu ngơ?”. Kết thúc phần đọc thơ của Ngô Gia Thiên An, GS Hồ Ngọc Đại đã đến ôm cô gái vì ông quá xúc động với câu hỏi của cô.
Ở phía Nam, Ngày Thơ khai mạc trước nửa ngày, từ tối 21/2. Ở đó, cũng có một câu hỏi khiến người ta suy ngẫm của nhà thơ Lê Minh Quốc một người thơ “già” hơn: Thơ đứng ở đâu trên đường phố?
Nhân Ngày Thơ, trong hội thảo về thơ Sài Gòn - TP. HCM trong đời sống đô thị, thay vì đọc tham luận bằng văn xuôi, nhà thơ Lê Minh Quốc đã có tham luận bằng một bài thơ độc đáo bắt nguồn từ câu hỏi “Thơ đứng ở đâu trên đường phố/ Tôi hỏi vòm xanh không vọng tiếng trả lời/ Mẹ gánh gồng chân đi không bén đất/ Miếng cơm ăn tần tảo giọt mồ hôi/ Náo nhiệt phèn la âm thanh thành thị/ Mù mịt khói xe nghẹt thở điên khùng...”.
Có ý kiến rằng, ở Sài Gòn, thơ đang lạc lõng giữa đời sống thị dân, người ta chỉ quan tâm đến mưu sinh, nhất là với người trẻ nhập cư đi học xong rồi lo kiếm tiền. Sau cú bắt tay xã giao, người đối diện sẽ tròn xoe mắt kinh ngạc khi biết người đối diện mình là nhà thơ như một thực thể lạc lõng với số đông!
Rồi nhà thơ Lê Minh Quốc nhìn thẳng vào thực tế khi nhiều vấn đề thời sự mà thơ “hình như” đứng ngoài cuộc: “Những đất đai những dân oan quy hoạch/ Nợ đền bù giải toả cũng nhẹ tênh/ Hồn của đất trong thơ như hạt bụi/ Sao không kêu thương máu chảy ruột mềm?/ Thơ đứng ở đâu trong những ngày biển động/ Xác cá khô nằm xếp lớp buồn rầu/ Thơ hoan ca qua bình minh chói sáng/ Sao lại quên biên giới trắng hoa lau?/ Mẹ ơi mẹ đã ngàn đời lấn biển/ Máu Âu Cơ từng đỏ ngấu biển Đông/ Ngựa Thánh Gióng tung hoành trong sử sách/ Sao thơ không cuộn giữ máu Tiên Rồng?”.
Người Việt chưa bao giờ thôi yêu thơ nhưng thơ có nói được những điều mà họ muốn nghe, muốn thấu, muốn cảm hay không? Sẽ khó trả lời câu hỏi “Thơ đứng ở đâu trên đường phố?” khi “Người ta chạy nháo nhác trốn căn bệnh ung thư xã hội” kể cả nhà thơ.
Thanh Kiều - Mi Ly
Thể thao & Văn hóa