HAGL, bao giờ cho đến bao giờ?
(Thethaovanhoa.vn) - Trận đại thắng 4-1 ngay trên sân 19/8, Nha Trang, trước chủ nhà S.Khánh Hòa BVN ở ngày khai mạc V-League 2019 không cho thấy HAGL đã thực sự lột xác và bằng chứng là, đội bóng phố Núi đã gần như ngay lập tức để thua CLB TP.HCM 1- 2 trên sân nhà ở lượt trận thứ 2. Đấy là trận đấu mà như thường lệ, HAGL kiểm soát bóng tốt hơn, nhưng kỹ năng dứt điểm cầu môn của hàng công quá tệ và phải đợi đến những phút thi đấu cuối cùng của hiệp 2, Văn Toàn mới kịp ghi được bàn danh dự từ chấm 11m.
Công cùn, thủ mỏng (V-League 2018, HAGL chỉ ghi được 41 bàn thắng nhưng đã để lọt lưới đến 53 bàn, một kỷ lục của giải đấu), vấn đề của HAGL không phải họ thiếu những chân sút có khả năng ghi trên dưới 15 bàn/mùa giải, thiếu những trung vệ và thủ môn đẳng cấp. Họ từng có tất cả, song kể từ sau "Dream Team" giai đoạn 2003-2005, "Gỗ" đã không thêm một lần nào nữa được vinh danh trên bục nhận danh hiệu. Vận rủi chắc chắn không kéo dài suốt 15 năm, với một đội bóng được đầu tư tốt như HAGL.
Agostinho Oliveira, Evaldo Goncaves và mới nhất là Rimario, đều là những chân sút số má, song không hiểu tại sao HAGL lại đẩy đi theo những cách khác nhau. Ở giai đoạn 2009-2013, Evaldo đã ghi 58 bàn thắng cho đội bóng phố Núi, nhiều hơn công thần Kiatisuk Senamuang 20 bàn, và trở thành chân sút số 1 của HAGL trong lịch sử, nhưng vẫn phải ra đường (với lý do chấn thương!?). Đau ở chỗ, tất cả họ đều đã chơi hay hơn hẳn ở bến đỗ mới, với gần nhất Rimario ghi bàn liên tục cho Thanh Hóa khi được độc lập tác chiến.
Trong suốt chiều dài lịch sử của HAGL, Trung tâm Hàm Rồng từng sở hữu những cầu thủ chất lượng bậc nhất và cũng đắt giá bậc nhất. Sau thời "Dream Team" với cú đúp vô địch V-League 2003-2004 được rải bằng rất nhiều "lương khô", HAGL vẫn mua về "vua phá lưới V-League" Kesley Alves, Datsakorn Thonglao, ngôi sao lớn nhất của bóng đá Thái Lan sau Kiatisuk, Lee Nguyễn - cựu tuyển thủ quốc gia Mỹ, bộ tứ cầu thủ hay nhất của Đồng Tháp là Thanh Bình, Việt Cường, Quý Sửu và Dương Văn Pho…
Nhưng, không một ai trong số các cái tên vừa nhắc phát huy tốt nhất khả năng của mình tại sân Pleiku, cho đến khi họ ra đi. Sự bất ổn trong cabin BHL vốn được làm mới liên tục, chỉ bằng một cái gật đầu, là lý do khiến đội bóng thiếu tính ổn định về triết lý vận hành. Nhưng mắt xích yếu nhất của HAGL có lẽ là khâu điều hành và chính sách chuyển nhượng không khoa học. Cùng với việc trao sinh mệnh cho lứa U19 mới ra ràng của Công Phượng, Xuân Trường…, HAGL đã đẩy đi hàng loạt những công thần, từ mùa giải 2015.
Trong chiến thắng 2-1 của CLB TP.HCM, HLV Chung Hae Seong, cựu GĐKT của HAGL, đã tung vào sân cả Vũ Anh Tuấn (đội trưởng), trung vệ Tăng Tiến, Lê Hoàng Thiên. Chỉ thiếu A Sân và Võ Út Cường nữa là đủ bộ những người cũ của HAGL, liệu đây có là lời phản pháo của ông thầy người Hàn Quốc và những đứa con phố Núi, sau khi họ đã bị đẩy ra đường?
Một đội bóng có chính sách chuyển nhượng khôn ngoan, không những tiết kiệm được chi phí mà còn tăng năng lực cạnh tranh. Đến như CLB Hà Nội, một phân xưởng đào tạo quy mô còn lớn hơn Hàm Rồng, vẫn phải mua thêm Oseni, rồi Pape Omar…
Còn HAGL sau khi đã bán hoặc ký gửi những sản phẩm tốt nhất của mình như Đông Triều (vừa ghi bàn cho B.Bình Dương vào lưới SHB Đà Nẵng), Xuân Trường, Công Phượng…, thì mùa này, họ chỉ mua được Hoàng Lâm (phải nhận thẻ đỏ ở trận thua TP.HCM), thủ môn Wieger Sietsma và Walsh Hugh.
Những người yêu mến HAGL đã kỳ vọng, ở mùa giải thứ 5 chinh chiến ở V-League, "những đứa trẻ nhà bầu Đức" sẽ lớn và đủ khả năng tranh chấp huy chương. Nhưng xem chừng nó vẫn là giấc mộng Kinh Kha.
Tùy Phong