Dù không có danh hiệu chính thức nhưng VĐV được coi là xuất sắc nhất ở giải năm nay chính là Nguyễn Thị Oanh. Tuyển thủ quốc gia này đã giành đến 6 HCV trong tổng số 7 nội dung tham dự.
(Thethaovanhoa.vn) - Dù không có danh hiệu chính thức nhưng VĐV được coi là xuất sắc nhất ở giải năm nay chính là Nguyễn Thị Oanh. Tuyển thủ quốc gia này đã giành đến 6 HCV trong tổng số 7 nội dung tham dự.
Thành tích xuất sắc của Nguyễn Thị Oanh đã giúp đoàn Hà Nội thắng thế tại giải VĐQG năm nay. Ngoài nội dung 4x100m bị tước HCV do phạm quy, những HCV mà Nguyễn Thị Oanh giành được là ở các nội dung 100, 200, 4x200, 400, 400m rào, 4x800m hỗn hợp tiếp sức.
Nguyễn Thị Oanh (133) mang về 6 HCV trong số 7 nội dung tham gia giúp Hà Nội vô địch toàn đoàn. Ảnh: V.H
Kết thúc ngày thi đấu cuối cùng 13/10, với 14 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ, đoàn Hà Nội xếp vị trí số 1 toàn đoàn. Xếp thứ nhì toàn đoàn là Quân đội khi giành được 7 HCV, 7 HCB, 7 HCĐ. Thanh Hóa xếp thứ 3 với 6 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ. Chỉ có giành được 1 HCV ở nội dung tiếp sức 4x100m nữ, chủ nhà TP.HCM xếp thứ 11 với 1 HCV, 9 HCB, 4 HCĐ.
Thất bại lớn nhất của đoàn chủ nhà là việc Trần Huệ Hoa tuột mất tấm HCV ở nội dung nhảy ba bước sở trường. Huệ Hoa vẫn chưa hồi phục chấn thương rách cơ lưng nên cô chỉ đạt thành tích khiêm tốn 13m56, đành chấp nhận chiếc HCB (HCV thuộc về Vũ Thị Mến của Nam Định với thành tích 13m70).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (TTK Liên đoàn điền kinh Việt Nam) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với công tác tổ chức của đơn vị chủ nhà TP.HCM và chuyên môn của các VĐV tham dự giải này nhìn chung rất ổn. Do điểm rơi phong độ là SEA Games 28 nên thành tích của các VĐV không có nhiều sự bứt phá.
Các VĐV thuộc biên chế đội tuyển quốc gia vẫn thể hiện được sức mạnh còn các VĐV trẻ cũng chứng tỏ sự tiến bộ để là tương lai của điền kinh Việt Nam như Trần Thị Thắm ở nội dung 800m, Lò Thị Thanh 1500m.
Tại giải năm nay, 2 kỷ lục mới ở các nội dung ném đẩy là một tín hiệu vui. Đặc biệt, ở nội dung đẩy tạ nam, VĐV Trần Minh Tuấn của Vĩnh Long lập kỷ lục mới với thành tích 15m65 để xô đổ kỷ lục cũ tồn tại 14 năm của VĐV Đào Dâng Tiếng (Khánh Hòa) là 15m42 thiết lập năm 2001.
Lâu nay Việt Nam không mạnh ở các môn ném đẩy, không tham dự đấu trường SEA Games trừ môn ném lao nữ. Từ những kết quả này, sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư mạnh hơn nữa vào các nội dung ném đẩy để hướng tới SEA Games 29 và giải trẻ châu Á diễn ra ở Việt Nam vào năm sau”.
Việt Hà