Hà Nội: Hoàn thành di dời 1.129 công dân ra khỏi 'ổ dịch' Thanh Xuân Trung
(Thethaovanhoa.vn) - Ông Đặng Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, quận đã thực hiện nhiều biện pháp, với nỗ lực cao nhất để hoàn thành di dời, đưa 1129 người dân ra khỏi "ổ dịch" tại phường Thanh Xuân Trung, vào lúc 21 giờ tối 3/9.
Ông Nguyễn Khánh Hòa cho biết thêm, việc di dời được tiến hành rất cẩn trọng, tỉ mỉ để vừa đảm bảo phòng, chống dịch, tạo tâm lý yên tâm cho đông đảo người dân. Phần lớn các hộ dân đều hiểu, chia sẻ trong thời điểm khó khăn này. Tất cả hành động của chính quyền cũng hướng tới an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân.
Hiện nay, 112 người còn ở lại trong vùng lõi của “ổ dịch” cũng đang được cách ly và áp dụng các biện pháp y tế theo quy định. Những người ở lại phần lớn là người già yếu, bệnh nền, phụ nữ mang thai có bệnh và những người ở lại để chăm sóc người đặc biệt yếu. Khi ở lại, tất cả đều có đơn cam đoan thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà; đồng thời được đội ngũ y tế vào khám để xác định mức độ bệnh lý.
Hiện tại “ổ dịch” phường Thanh Xuân Trung có tổng cộng 380 ca F0 đang được điều trị, theo dõi tại viện và 300 ca F1 đang được cách ly tập trung.
Ban hành Chỉ thị 20 áp dụng biện pháp mạnh hơn tại vùng nội đô
Tối 3/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, từ ngày 6/9, thành phố sẽ phân vùng theo nguy cơ dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, đồng thời tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (vùng nội đô) để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
UBND thành phố yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn. Các lực lượng chức năng tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra - vào thành phố, các chốt ra - vào tại vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài; bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp; chủ động bảo đảm nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng kịch bản ở mức cao hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh ở xã, phường, thị trấn; xây dựng các “pháo đài” phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, chỉ định đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ.
Thành phố cũng yêu cầu bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn, đúng quy định…
Đối với các sở, ban, ngành, địa phương, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tiếp tục chủ động phối hợp, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục bám sát tình hình diễn biến dịch, chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tham mưu cho thành phố để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động, không để lúng túng, bị động, từng bước làm sạch, chuyển từ “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh” đưa thành phố về trạng thái bình thường mới.
Thành phố giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin cấp giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố, hoàn thành trong ngày 5/9…
Để làm giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, thành phố quyết định phân theo 3 vùng để tăng cường phòng, chống dịch COVID-19. Việc phân vùng căn cứ vào các yếu tố nguy cơ của dịch, đặc điểm địa lý – dân cư – sinh hoạt – sản xuất, trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường phòng, chống dịch, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt.
Theo đó, từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9, thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng. Vùng 1 tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Đây là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.
Vùng 2 (phía Bắc, Đông sông Hồng) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo Phương án đã được phê duyệt. Vùng 2 được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao. Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một “pháo đài” chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.
- Hà Nội đề xuất cho nhân viên giao hàng được hoạt động từ 9h đến 20h giờ hàng ngày
- Hà Nội thực hiện cấp bách ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về phòng, chống dịch
- Hà Nội: Chỉ thị số 20 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 6-21/9
Về nguyên tắc thực hiện, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân và các hoạt động xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng; Phân vùng là để phòng, chống dịch, không phải là phân vùng để quản lý hành chính; Thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại Vùng 2, Vùng 3. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (vùng nội đô) để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực; tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”.
UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại từng vùng và liên vùng, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn kịp thời tới các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan, trước ngày 5/9 phải hoàn thành và báo cáo UBND thành phố.
TTXVN