Hà Nội của Hà hay của ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Việt Hà dùng chữ “người ở Hà Nội” thay cho “người Hà Nội”, một khái niệm theo anh giờ đây rất mơ hồ, lại hiếm hoi về số lượng. Còn “người ở Hà Nội” thì rất rõ ràng, lại đông đảo.
Tọa đàm Hà Nội của Hà diễn ra hôm 7/1 trong một buổi tối lạnh ở Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Mấy năm nay ra liên tiếp các tản văn Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu, Mặt của đàn ông nhưng nhắc đến Nguyễn Việt Hà, không thể không nhắc đến các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn và mới nhất là Ba ngôi của người.
Tiểu thuyết Ba ngôi của người (2014) được nhắm là “nhân vật chính” của cuộc tọa đàm nhưng độc giả lại quan tâm đến chủ đề lớn Hà Nội trải suốt chiều dài sự nghiệp của nhà văn “con giai phố cổ”.
“Hà Nội của Hà” không có sông, chỉ có hồ
Theo Nguyễn Việt Hà (52 tuổi), một trong những tác giả nổi danh nhất với chủ đề Hà Nội, quan niệm khá phổ biến cho rằng “người Hà Nội gốc” là người có họ tộc 3 đời sống ở Hà Nội là… rất vớ vẩn. Anh kể, anh biết một gia đình sống ở ngay cạnh chợ Đồng Xuân đã 5 đời, bắt đầu từ cụ tổ hành nghề ăn cắp vặt ở chợ. Anh không coi đó là “người Hà Nội”, vì “họ đã đóng góp gì cho mảnh đất này đẹp hơn?”.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà (phải) và nhà báo Trương Uyên Ly trong tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Trương Quý.
Nguyễn Việt Hà ở phố Nhà Chung, cách Nhà thờ Lớn 10m. Cách đó khoảng 100m là nhà của họa sĩ Lê Thiết Cương, bạn thân của anh, ở phố Lý Quốc Sư. “Hà Nội của Hà”, theo như anh nói, có bán kính nhỏ hẹp quanh khu vực nơi anh sống. Thời trước, ra đến Cầu Giấy với anh đã như vào Sài Gòn bây giờ. Còn mạn sông Tô Lịch, chừng 7 năm trước anh mới lần đầu lui đến.
Bởi vậy, “Hà Nội của Hà” không có sông, chỉ có hồ. Hồi nhỏ hồ Hoàn Kiếm, lớn lên ra Hồ Tây, trong khi Hà Nội rõ ràng có sông. Sông Hồng nằm ngay đấy, không xa lắm nếu đi từ nhà của Hà, theo tiêu chuẩn xa gần của ngày nay. Và với nhiều người, thì Hà Nội trăm phần trăm phải có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng.
Nhưng đó là Hà Nội của người khác. Công bằng mà nói, mỗi người đều có quyền nghĩ về Hà Nội với hình dung của riêng mình, gắn với nơi mình sống hoặc gắn bó. Nguyễn Việt Hà bảo, anh vẫn ngượng với cái tên tọa đàm “Hà Nội của Hà”, vì rõ ràng, Hà Nội không của riêng ai.
Viết văn dễ nản, nên nhà văn phải tự mua vui
Nguyễn Việt Hà viết Ba ngôi của người trong 7 năm. Ai đọc thì biết, anh lôi vào tác phẩm đủ nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Như “một diva có cách hát đứt đoạn để giảm béo”, mà anh viết thẳng ra là Thanh Lam, nhưng lại bị cắt bỏ tên trong quá trình biên tập. Hay “ông đạo diễn khùng”, mà trong bản gốc anh viết rõ là Dũng khùng.
“Thực ra tôi chẳng biết gì về showbiz, chỉ hóng hớt đứa cháu đọc báo, cũng chẳng có hiềm khích gì với chị Thanh Lam” – nhà văn nói. “Tôi viết như thế để tự làm mình vui vì viết văn là công việc dễ nản”.
Có người thắc mắc, Ba ngôi của người với kiểu viết dễ mất lòng như vậy có khiến Nguyễn Việt Hà gây thù chuốc oán? Thực ra với anh, tiểu thuyết đột phá Cơ hội của Chúa (1999) mới là cuốn sách khiến anh bị “đánh” nhiều nhất, còn Ba ngôi của người “chưa là cái gì”.
Tiểu thuyết Ba ngôi của người.
Chừng 7 năm trước, anh trả lời phỏng vấn Nguyễn Trương Quý, một nhà văn trẻ hơn cũng chuyên viết về Hà Nội, rằng mình đang viết một tiểu thuyết nhẹ nhàng dễ đọc hơn Khải huyền muộn (2006). Sau này, duyên số thế nào Nguyễn Trương Quý lại trở thành biên tập viên của cuốn Ba ngôi của người, cuốn sách tái bản chỉ 1 tháng sau khi phát hành, theo NXB Trẻ. Vẫn được nhận xét là “buồn” (theo nhà báo Trương Uyên Ly), và mô tả một Hà Nội xấu xí, xô bồ. Đến nỗi có người đọc, chỉ nghe lời giới thiệu như vậy, đã tuyên bố sẽ không đọc, vì không muốn thứ mình yêu (Hà Nội) bị “nói xấu”.
Có thể, người đọc đó không biết rằng, người viết nên tác phẩm đó có lẽ yêu Hà Nội còn nhiều hơn họ, lâu năm hơn, và nhiều khả năng không bao giờ hết yêu. Nhưng dù sao, tình yêu không nên so sánh hơn kém. Nhất là khi Hà Nội đã trở thành một niềm yêu chung, mà như Nguyễn Việt Hà nói trong tọa đàm, trở thành “một đề tài thời thượng”.
“Khi đến Paris, tôi nhờ bạn dẫn đến một nơi thật Paris, và bạn nghĩ ra ngay một chỗ. Nhưng khi bạn đến Hà Nội, muốn thăm một nơi thật Hà Nội, tôi không tài nào nghĩ ra” – Nguyễn Việt Hà chia sẻ sau buổi tọa đàm, khi cùng những người bạn ngồi ở quán café đối diện nhà họa sĩ Lê Thiết Cương. Nhà văn nói, anh và Lê Thiết Cương đã gợi ý một người bạn mở quán café này, biết đâu sẽ trở thành “một nơi thật Hà Nội” như thế. Nhưng mở địa điểm chỉ là khởi đầu, những con người ghé thăm trong nhiều nhiều năm mới làm nên chất Hà Nội. |