Hà Nội cần có thêm đường phố mang tên nghĩa sĩ trong vụ 'Hà Thành đầu độc'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/6, Lễ kỷ niệm 110 năm sự kiện Hà thành đầu độc (27/6/1908 - 27/6/2018) được tổ chức tại Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, nơi các nghĩa sĩ từng bị thực dân Pháp giam giữ chờ ngày hành quyết.
- Khu tưởng niệm 'Hà thành đầu độc': Xứng tầm lịch sử
- Lễ cầu siêu các anh linh trong vụ "Hà Thành đầu độc"
Tại buổi lễ này, hầu hết các nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng và đại diện gia đình các nghĩa sĩ đều thống nhất việc đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội tổ chức quy tập mộ các nghĩa sĩ vào một nghĩa trang liệt sĩ nào đó tại quận Cầu Giấy. Hoặc, có thể quy hoạch khu mộ các nghĩa sĩ (hiện nằm tại vườn nhà ông Nguyễn Đức Hỷ, xóm 2 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, được gia đình cụ Hỷ trông nom đã được 3 - 4 đời) như là một di tích lịch sử cho trang trọng và đúng với ý nghĩa lịch sử.
Liên quan đến sự kiện lịch sử này, vào tháng 8/2016, Khu tưởng niệm các nghĩa sỹ trong vụ Hà Thành đầu độc đã được thành lập tại đường Võ Chí Công, phường Nghĩa Đô, vốn được coi là phần liền kề với pháp trường Bãi Bàng năm 1908. Thế nên, có ý kiến cho rằng như thế đã là rất tốt và khó có thể đòi hỏi thêm - hoặc phải tính toán rất kỹ lưỡng trước khi hiện thực hóa các ý tưởng.
Ông Phạm Văn Tuý (Văn phòng UBND TP.Hà Nội) cho biết, rất nhiều năm ông đã nghiên cứu về vụ Hà thành đầu độc và tiếp cận được với rất nhiều tài liệu chưa từng công bố. "Rất nhiều tài liệu liên quan đến Hà thành đầu độc đã được mang về Pháp" - ông Túy nói - "Thiết nghĩ cần phải lập một dự án, một chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu, có sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan giữa hai nước thì mới chính thống, chính xác, từ đó đặt sự kiện này đúng vào vị trí lịch sử của đất nước".
Bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Văn hóa quận Cầu Giấy đưa ra ý kiến, trong hơn 10 nghĩa sĩ vụ Hà Thành đầu độc, đến nay mới chỉ một người được lấy tên đặt tên phố tại Hà Nội (phố Đội Nhân) và một người được đặt tên xã (xã Đội Bình, Quốc Oai. Do vậy phòng văn hóa đã gửi đề xuất lên Sở VH&TT Hà Nội nghiên cứu đặt tên Hai Hiên (người chỉ huy sự kiện Hà thành đầu độc) cho một đường, phố trên địa bàn phường Nghĩa Đô để thể hiện sự tri ân của các thế hệ sau.
Huy Thông