Hà Lan 3-1 Mỹ: Cơn lốc da cam bắt đầu nổi lên...
Và ở sân Khalifa International, trong một tối khá lạnh, giấc mơ Mỹ bị Hà Lan quét sạch một cách không thương tiếc, bắt đầu từ bàn thắng từ phút thứ 10 của Depay, và ngay trước khi hiệp 1 kết thúc, Blind ghi bàn thứ hai.
Trước trận đấu là một không khí rất Mỹ, với nhạc rock vang lên ầm ỹ trên loa, nhạc của Def Leppard và của Pearl Jam. Thế rồi sau đó là "Right here, Right now" của FatBoy Slim. Cứ như một buổi nhạc hội cuối năm ở Las Vegas trên sa mạc Nevada. Nhưng ở sân Khalifca, trên sa mạc Qatar, chất rock Mỹ chỉ tồn tại cho đến phút thứ 9, bởi sau đó là những cơn gió Hà Lan nổi lên, cơn gió lúc mạnh mẽ như bão, lúc lại hiu hiu kiểu Louis van Gaal.
Hà Lan và cơn lốc kiểu Van Gaal
HLV của đội tuyển Hà Lan là người dũng cảm và lì lợm. Ở tuổi 71, ông đã trải qua tất cả mọi cung bậc thăng trầm của cảm xúc và chiến thắng cũng như thất bại. Ông cũng chẳng sợ sự chỉ trích của báo chí Hà Lan, những người đã lên tiếng phê phán ông về lối chơi mà họ cho là "nhàm chán" của đội bóng da cam trong 3 trận vòng bảng. Hà Lan đứng đầu bảng với 7 điểm sau 3 trận đấu, chỉ thủng lưới 1 bàn, có một tài năng trẻ 23 tuổi có tên Cody Gakpo toả sáng với 3 bàn thắng. Nhưng với dư luận Hà Lan, chừng đó chưa đủ. Họ muốn Hà Lan phải tấn công, tấn công và cống hiến đến cùng.
Nhưng trong đêm Khalifa, một phần của Hà Lan như người ta muốn thấy đã xuất hiện, sau khi đánh bại một làn sóng cúm lan tràn trong nội bộ của họ trước trận, làm cả những người như Frenkie de Jong bị nhiễm. Họ chơi đơn giản, nhưng nhanh khi có bóng, và dựa vào hàng thủ có thủ lĩnh Van Dijk làm chỉ huy, họ dễ dàng phá vỡ các đợt tấn công của Mỹ và chỉ cần hai đợt tấn công chớp nhoáng, đã đổ bê tông vào chiến thắng ngay từ hiệp 1. Hiệp 2 là một câu chuyện khác, khi Mỹ có bàn gỡ ở phút thứ 75, một tác phẩm của Haji Wright và có thêm vài cơ hội nữa, nhưng bất thành, trong khi Hà Lan có bàn thứ ba (Denzel Dumfries). Lần đầu tiên vào vòng 1/8 của Mỹ sau 20 năm kết thúc bằng một thất bại xứng đáng, trong khi Hà Lan lần thứ 3 liên tiếp có mặt ở tứ kết. Điều gì sẽ đến sau đây, ở vòng đấu ấy?
Đấy đương nhiên chưa phải là một cơn lốc ào ạt như người ta vẫn thấy, nhưng đó là cơn lốc kiểu Van Gaal ở World Cup này. Trở thành đội tuyển đầu tiên vào vòng tứ kết World Cup, Van Gaal tiếp tục sở hữu một thành tích đáng nể: ông chưa từng thua bất cứ lần nào trong 12 trận đấu World Cup trên tư cách HLV, sánh ngang với HLV huyền thoại Mario Zagallo người Brazil (lần gần nhất ông thua là trong loạt luân lưu, trước Argentina ở World Cup 2014). Họ đã vào tứ kết với 8 bàn thắng trong 4 trận, với 6 cái tên ghi bàn, thể hiện sức mạnh của tập thể. Và Hà Lan, một đội bóng có nhiều cầu thủ kinh nghiệm hơn, chẳng có vẻ gì là ngợp trước lối chơi nhanh của các cầu thủ Mỹ, đa phần là rất trẻ.
Mỹ và niềm tin từ thất bại trước Hà Lan
Một chiến thắng như thế do đó chẳng gây ngạc nhiên cho bất cứ ai. 4 năm nữa, ở World Cup 2026, khi Mỹ là 1 trong 3 nước chủ nhà, những người trẻ đã thua hôm nay, từ Weah, McKennie, Reyna cho đến Dest, Pulisic chính là trụ cột. HLV đội tuyển Mỹ Gregg Berhalter, trong buổi họp báo hôm qua, đã nói rằng, ông đã học được rất nhiều từ bóng đá Hà Lan. Ông từng đá cho Zwolle và Sparta Rotterdam ở Hà Lan những năm 1990 khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Những năm tháng ấy, Louis Van Gaal đang biến Ajax thành một thế lực hùng mạnh ở châu Âu và thế giới. Hơn 20 năm sau, Berhalter đối đầu với người mà ông rất ngưỡng mộ và học thêm những bài học mới. Chỉ không rõ, 4 năm nữa, Berhalter có còn là HLV đội Mỹ nữa không.
Còn trong buổi họp báo trước trận, van Gaal, bằng cái vẻ rất thủng thẳng quen thuộc, khẳng định rằng, ông có một đội tuyển Hà Lan "tốt nhất trong nhiều năm qua", nhưng vấn đề là ở Hà Lan, chỉ có mỗi mình ông nghĩ vậy. Và cái đội tuyển mà Van Gaal "nghĩ vậy" ấy cứ lừ lừ như xe tăng đi tiếp và chẳng sợ bất cứ ai...