Google, Facebook, internet và 'Quyền được lãng quên'
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa một biển thông tin liên quan tới vụ bán dâm của những người đẹp vừa qua, tự dưng tôi nghĩ tới một nhu cầu của con người. Đúng hơn, đó có lẽ là một quyền – quyền được lãng quên.
- Ảnh ‘chân dài’ bán dâm tràn ngập, có nên công khai danh tính người mua?
- VIDEO: Bắt đường dây hoa hậu, diễn viên bán dâm
- Cục Nghệ thuật Biểu diễn lên tiếng về thông tin một á hậu bán dâm bị bắt
Rất nhiều người đặt mục đích sống để được lưu danh sử sách, nhưng cũng có những con người chỉ muốn 1 phần quá khứ của họ được chìm vào lãng quên.
Vụ kiện tụng giữa Google và Uỷ ban Tự do thông tin quốc gia Pháp (CNIL) gần đây là một minh chứng hùng hồn cho việc nhu cầu được quên lãng là có thật. Rất nhiều người dù vô tình hay cố ý đã để lại những “dấu vết” trên internet. Điều đáng nói là đó là những gì không hề hay ho, những thứ khiến họ hối hận và không bao giờ muốn nhắc lại.
Phán quyết của Toà án Tư pháp Châu Âu về việc áp dụng quy tắc “quyền được lãng quên” được đưa ra năm 2014. Theo đó, trong một số trường hợp nhất định, mọi cá nhân tại Châu Âu đều có quyền yêu cầu Google và các hãng tìm kiếm gỡ bỏ các kết quả có chứa thông tin về họ trên mạng Internet.
Google đã phải thoả hiệp và thực hiện xoá bỏ tìm kiếm theo yêu cầu của khách hàng tại một số trang tìm kiếm trên 1 số khu vực. Tranh cãi pháp lý tiếp tục nổ ra khi CNIL phản đối, áp dụng án phạt liên quan đến việc Google đã tuân thủ không đầy đủ phán quyết của Toà.
Sự vụ hiện tại vẫn còn đang tiếp diễn, cho chúng ta thấy một góc rất khác của việc dễ dàng tiếp cận thông tin: bên cạnh những nội dung bổ ích, hữu dụng, thì vẫn có những thông tin gây ảnh hưởng tới cuộc sống của một con người, đến mức họ cố gắng tìm mọi cách để người khác không tiếp cận và ngưng bàn tán về nó.
***
Ông bà ta vẫn có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Internet khiến cho những mảnh “bia miệng” không những tồn tại rất lâu, mà còn bổ sung thêm những dẫn chứng đầy tính thuyết phục và sống động.
Những người nổi tiếng được công chúng biết đến có lẽ thấm thía điều này nhất. Mỗi vụ lùm xùm nổ ra, không cần biết ai đúng ai sai, nhưng chắc chắn kể cả khi mọi chuyện qua đi và mọi người đã lãng quên hầu hết, Google thì không.
Một người ca sĩ đã từng dính phải lùm xùm liên quan đến một video nhạy cảm. Hơn chục năm sau, kể cả sau bao cố gắng làm lại sự nghiệp, mọi người vẫn nói về sự cố ngày trước. Và dĩ nhiên, chỉ cần biết từ khoá, mọi thứ sẽ được Google bày ra trước mắt bạn.
Tuy nhiên Internet không chỉ dành cho những người nổi tiếng. Trong thời đại mạng xã hội phát triển, mỗi trang Facebook giờ đã trở thành cánh cổng đưa những chuyện cá nhân nhất của bất kỳ ai đến với thế giới. Và đó là nguồn gốc phát tán đi rất nhiều thông tin về các biến cố.
Một video nhạy cảm bị đăng lên mạng, một video đánh ghen, một status thiếu kiểm soát, một hành động xấu xí bị quay lại và đăng lên,… Có đủ loại lý do để cộng đồng mạng “kết tội” một người. Giả sử điều ấy xảy ra, tên tuổi của người đó sẽ được ghi dấu ấn trên Internet theo cách mà họ không hề muốn. Rồi vài ngày sau công chúng sẽ có những sự vụ khác để bàn luận. Nhưng với những người trong cuộc, dẫu cả cuộc đời về sau họ có cố gắng nỗ lực cải thiện chính mình, thì cơ hội để biện minh cho những sự kiện đã cũ là gần như không có.
Máy móc thì không có sự bao dung, vị tha, và có thể "vết nhơ” đôi khi ngoài ý muốn ấy sẽ theo chân họ cả đời!
Bất cứ ai cũng là một nạn nhân dự bị trên mạng xã hội và Internet. Chính vì thế, ai cũng cần được hưởng một quyền lợi văn minh đó là “được lãng quên” trên Internet như cách mà CNIL đang làm việc với Google. Kể cả những người vừa phạm lỗi ngày hôm nay – nếu như họ muốn làm lại mọi thứ từ đầu.
Hạ Hồng Việt