Góc tối trong ánh hào quang của giải Nobel
(Thethaovanhoa.vn) - Khi nghĩ về giải Nobel, bạn thường hình dung về các phát hiện khoa học chấn động, giúp mang lại điều tốt đẹp cho nhân loại. Nhưng thực tế thì giải thưởng này đã từng tôn vinh cả các phát minh phi nhân tính, như vũ khí hóa học và thuốc trừ sâu DDT.
Theo thời gian, nhiều tranh cãi quanh giải Nobel đã xuất hiện, quanh các nhà khoa học với nghiên cứu quan trọng, nhưng không được ai ngó ngàng tới; những người tuyên bố họ đã có phát minh quan trọng trước cá nhân đoạt giải; các giải hòa bình chia đôi dư luận.
Ca ngợi cả “cha đẻ chiến tranh hóa học”
Nhưng một số giải thưởng về khoa học đã thể hiện rõ ràng sự lựa chọn rất tồi của các ủy ban trao giải. Khi giải Nobel Hòa bình 2013 được trao cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), một số nhà quan sát cho rằng đây là cách để ủy ban trao giải “sửa lỗi”, do từng tặng giải “Nobel chiến tranh” cho nhà hóa học Đức Fritz Haber vào năm 1918.
Haber được tôn vinh với giải Nobel Hóa học do có công nghiên cứu cách thức tổng hợp chất ammonia, khi đó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phân bón, phục vụ sản xuất lương thực. Nhưng Haber, người còn được biết tới với biệt danh “cha đẻ chiến tranh hóa học”, cũng là kẻ đã phát triển các loại khí độc được dùng trong Thế chiến thứ nhất. Các loại khí độc của Haber đã được thử nghiệm ở Trận chiến Ypres, và ông đã trực tiếp giám sát, theo dõi tác động của chất động.
Sau khi Đức thất bại tại Thế chiến thứ nhất, Haber không mong đoạt giải thưởng nào cả. Thực tế thì theo nhà hóa học Inger Ingmanson, người đã viết một cuốn sách về Haber, ông ta rất sợ hãi trước viễn cảnh bị đưa ra tòa án binh. “Một số người xem đây là giải thưởng thể hiện tình yêu nước Đức. Đã từng có những kẻ ở Thụy Điển mong muốn quốc gia này tham gia thế chiến cùng với Đức” – Ingmanson cho biết.
Giải Nobel của Haber hiện vẫn là một trong những giải gây tranh cãi nhất. Ủy ban Nobel chắc chắn đã nhận ra vai trò của Harber trong việc tạo ra khí chlorine khủng khiếp, đã khiến hàng trăm ngàn người lãnh họa. Nhưng ông ta cũng là người mang tới cho thế giới các loại phân bón mang tính cách mạng.
Cần biết rằng Victor Grignard, nhà hóa học Pháp từng giành giải Nobel, cũng tham gia phát triển chất độc hóa học. Nhưng chất độc của ông được chế ra vào năm 1912, trước khi Thế chiến thứ nhất nổ ra và trước khi chất độc hóa học được dùng trong chiến tranh.
Màn tôn vinh thiếu nhạy cảm
Cuộc tranh cãi vào năm 1918 hẳn đã khiến các ủy ban trao giải Nobel phải suy nghĩ kỹ trước khi tôn vinh ai đó. Thế nhưng, vào tháng 11/1945, chỉ 3 tháng sau khi 2 quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, giải Nobel Hóa học lại được trao cho người phát hiện ra phản ứng hạt nhân.
Nhân vật nhận giải là một người Đức khác có tên Otto Hahn, người vào năm 1938 đã có phát hiện quan trọng, mở đường cho sự phát triển bom nguyên tử. Nhưng Hahn chưa từng tham gia vào các nghiên cứu giúp biến phát hiện của ông trở thành vũ khí với sức hủy diệt. khủng khiếp
Năm 1945, Hahn đang là một tù binh chiến tranh ở Anh. Khi nghe tin người Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, ông đã nói với các bạn tù: “Tôi rất biết ơn vì chúng ta (Đức) không thành công trong việc chế bom nguyên tử”.
Việc Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Hóa học cho Hahn vào năm 1945 đã bị nhiều người cho là điên rồ, đặc biệt khi thế giới còn chưa hết sốc trước tác động tàn phá mà hai quả bom Mỹ gây ra.
Tung hô cả các nghiên cứu “lợi ít hại nhiều”
Có người sẽ cho rằng phát minh của Hahn không gây tranh cãi lắm và vấn đề chỉ nằm ở cách thức người ta ứng dụng nghiên cứu của ông. Tuy nhiên họ sẽ khó có thể bênh vực sự lựa chọn của Viện Hàn lâm tại một số giải Nobel khác, gồm giải Y học 1949 trao cho nhà thần kinh học Egas Moniz người Bồ Đào Nha.
Moniz đoạt giải nhờ phát hiện “hoạt động phẫu thuật thần kinh lobotomy”, có giá trị ứng dụng trong một số trường hợp mắc bệnh tâm thần. Ngày hôm nay, thủ thuật lobotomy chỉ được dùng trong một số trường hợp hiếm hoi, do nó gây ra rất nhiều tác động phụ nguy hiểm. Trang web của Quỹ Nobel cũng phải thừa nhận rằng việc trao giải cho phát hiện về thủ thuật lobotomy đã “gây tranh cãi.”
Và rồi còn phải kể tới những người đoạt giải bị chỉ trích do có phát hiện làm hại môi trường. Một năm trước Moniz, ủy ban trao giải Y học đã tôn vinh nhà khoa học Paul Mueller của Thụy Sĩ do phát hiện thuốc trừ sâu DDT, có thể giết các loài côn trùng làm lây lan bệnh sốt rét.
Ngày hôm nay, DDT đã bị cấm trên toàn thế giới, do nó gây nguy hiểm tới sức khỏe con người và động vật hoang dã.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa