Góc nhìn: Dàn nhạc giao hưởng của Pellegrini
(Thethaovanhoa.vn) - “Một dàn nhạc có 10 tay guitar giỏi nhất, nhưng lại thiếu một cây piano xuất sắc thì sẽ không thể nào trình diễn nổi một bản giao hưởng”, Pellegrini từng nói như thế về Real sau khi bị đội bóng này sa thải cách đây 3 năm. Và chắc chắn ông không muốn tình trạng ấy lặp lại ở Man City.
1. Trong mùa giải đầu tiên sau khi Florentino Perez tái đắc cử chức Chủ tịch, Real Madrid đã vung hơn 200 triệu bảng để mua sắm, với một loạt những ngôi sao như Cristiano Ronaldo (80 triệu bảng), Kaka (60 triệu bảng), Benzema (30 triệu bảng), và Alonso (30 triệu bảng). Nhưng nhiều sao không đồng nghĩa với thành công. Tháng 10/2009, Real bị đội hạng ba (Segunda B) Alcorzon loại khỏi Cúp Nhà vua. Đến tháng 3/2010, họ dừng bước trước Lyon tại vòng 1/8 Champions League. Và đến cuối mùa giải, dù đã giành số điểm kỷ lục (96), thầy trò Pellegrini vẫn phải về sau Barca (99 điểm).
Pellegrini cần một đội bóng đồng đều
Tất nhiên, Pellegrini là người đứng mũi chịu sào, và ông đã phải trả giá bằng việc bật bãi khỏi Bernabeu. Nhưng Florentino Perez cũng có phần trách nhiệm, như lời chỉ trích của chiến lược gia người Chile: “Tôi chẳng có tiếng nói gì ở Madrid cả. Họ mua những cầu thủ tốt nhất, nhưng không phải ở những vị trí thích hợp. Real Madrid có những tay guitar giỏi nhất, nhưng bảo họ chơi piano là điều không tưởng. Ông ấy (Perez) đã bán đi những cầu thủ mà tôi cho là quan trọng. Chúng tôi không giành Champions League vì không có một đội hình được xây dựng với cấu trúc phù hợp để chiến thắng”.
Thật vậy, Perez đã tìm mọi cách bán bộ đôi Hà Lan Sneijder - Robben, bất chấp sự phản đối của Pellegrini. Thực tế cho thấy đây là một quyết định sai lầm bởi cả hai sau đó đều tỏa sáng để đưa Inter Milan và Bayern Munich vào chung kết Champions League, cũng như giành ngôi á quân World Cup. Tại Liga mùa ấy, không phải Ronaldo mà chính cựu binh Higuain mới là chân sút số một với 27 bàn, còn những Kaka và Benzema thì gây thất vọng tràn trề. Chỉ Alonso là đóng vai trò xương sống trong lối chơi của Pellegrini.
2. Cho tới thời điểm này của mùa Hè, Man City chính là đội bóng mua sắm rầm rộ nhất ở Anh, với gần 100 triệu bảng cho 4 tân binh. Đó đều không phải những siêu sao như bộ tứ Galacticos mà Perez từng mang về Bernabeu 4 năm trước, song họ đều có chất lượng, và quan trọng hơn cả chính là đều được mang về theo ý nguyện của Pellegrini.
Đó là Fernandinho, một đấu sĩ lai nghệ sĩ và có thể hỗ trợ cho cả Yaya Toure lẫn David Silva. Đó là Jesus Navas và Negredo, một bộ đôi ăn ý từ Sevilla mà ông tin rằng sẽ mang đến hơi thở mới cho những đợt tấn công của Man City. Còn Jovetic là mẫu nhạc trưởng đích thực. Một điều quan trọng không kém: tất cả đều rất “sạch sẽ” về mặt tư cách, trái hẳn với những gã bất trị mà Man City từng đẩy đi như Nigel de Jong, Balotelli, và Tevez.
Một câu hỏi đặt ra: một đội bóng giản dị như thế phải chăng sẽ thiếu đi cá tính và sự nguy hiểm, nhất là ở thời điểm quan trọng? Villarreal và Malaga có thể là những minh chứng. Dưới bàn tay của Pellegrini, những đội bóng ấy đều chơi rất đẹp, mang lại nhiều cảm xúc, song đều không có được danh hiệu nào. Một phần vì thiếu may mắn, một phần vì không đủ bản lĩnh.
3. Nhưng có một điều không thể phủ nhận: Pellegrini có biệt tài nhào nặn những cầu thủ từ hạng khá trở thành giỏi. Diego Forlan giành Chiếc giày vàng châu Âu dù trước đó bị coi là chân gỗ. Marcos Senna trở thành một trong những tiền vệ trụ xuất sắc nhất châu Âu, còn Riquelme là linh hồn ở El Madrigal. Tương tự, ông đã biến Santi Cazorla thành một nhạc trưởng tài ba, còn Isco trở thành viên ngọc đáng giá của bóng đá xứ bò tót.
Và với biệt danh “kỹ sư” của Pellegrini, người ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ông sẽ biến những cầu thủ giỏi của Man City đạt tới tầm ngôi sao. Đội bóng ấy giàu tham vọng hơn nhiều so với Malaga và Villarreal, đồng thời có một ê-kíp BLĐ biết đặt niềm tin vào HLV trưởng.
Pellegrini đã có một dàn nhạc giao hưởng theo ý mình. Và có lẽ, những danh hiệu sẽ không còn trốn chạy ông nữa.
Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa