Góc nhìn 365: Vòng quay mới, nỗi lo cũ
Ngày hôm qua, chúng ta vừa bước vào một tuần làm việc mới sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài 4 ngày. Và cũng trong ngày hôm qua, các em học sinh trên toàn quốc đồng loạt đến trường khai giảng năm học mới 2022 -2023.
Có điểm chung gì giữa 2 câu chuyện ấy, khi người lớn bắt đầu một vòng quay của công việc sau kỳ nghỉ xả hơi, còn các em cũng bắt đầu một vòng quay của 9 tháng học hành?
Xin trả lời luôn: Đó là nỗi lo... tắc đường. Sau những ngày yên tĩnh và vắng vẻ, chúng ta lại sắp chứng kiến cảnh những đường phố tại các đô thị lớn ùn kín người trong giờ tan tầm hoặc đi làm - và cũng là khung giờ đưa đón học sinh.
Nhiều năm nay cứ mỗi khi năm học mới bắt đầu, xung quanh câu chuyện về trường lớp, sách giáo khoa, rồi đồng phục, học phí...thì vấn đề được nhiều gia đình tại các thành phố lớn quan tâm, lo lắng chính là chuyện đưa đón con em mình đến trường sao cho an toàn, nhất là lứa tuổi mầm non, bậc tiểu học.
Bởi, cho dù các trường có tổ chức thuê xe đón và trả học sinh về tận nhà, các gia đình tự đưa và đón con em mình đến trường, hoặc là các em học sinh tự đến trường bằng phương tiện cá nhân hay là xe buýt công cộng thì đều phải đối đầu với tình hình kẹt xe, tắc đường.
Ít nhiều, trong cảnh giãn cách vì đại dịch Covid-19 và tổ chức học online cho các học sinh trong 2 năm qua, câu chuyện này không còn là nỗi lo thường trực của phụ huynh học sinh và nhà trường so với mối bận tâm về phòng chống dịch. Nhưng bây giờ, sau 2 năm không có thời gian “thực hành” chống ùn tắc, rất có thể tình trạng ấy sẽ xuất hiện trở lại trong năm học mới.
Ùn tắc giao thông tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, cũng như tới tất cả những người từ có mặt trực tiếp trong vùng ảnh hưởng, đến các đối tượng gián tiếp về không gian và thời gian. Tất yếu, an toàn giao thông học đường cũng chịu tác động của ùn tắc giao thông. Nhưng, nó gắn với những đối tượng đặc thù (trẻ em), bởi thế cũng cần có biện pháp và những nỗ lực đặc thù.
Được biết, trong năm học mới này, Bộ Công an đã triển khai thực hiện “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - Tháng 9”. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp với địa phương triển khai nhiều biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông - trong đó có cả việc chấp hành luật lệ của học sinh, sinh viên.
Đó là một tín hiệu tích cực cho năm học tới. Nhưng trước hết, từ góc độ của gia đình, người viết cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục và nhắc nhở học sinh cũng như các bậc phụ huynh thường xuyên, liên tục vẫn là giải pháp chính và cơ bản nhất.
- Thư cuối tuần: Đừng bốc hỏa vì tắc đường nếu trời mưa
- Chút tình ở đám tắc đường
- Hà Nội: Mưa lớn, cây đổ gây mất điện, tắc đường
Đơn cử, đối với các bậc phụ huynh phải thường xuyên đưa đón con em mình đến trường, thiết nghĩ việc quan trọng nhất khi làm công việc này chính là sự chuẩn bị chu đáo hàng ngày, nắm bắt thông tin các tuyến đường trên các phương tiện truyền thông, chủ động lựa chọn, lập trình tuyến đường đến trường sao cho vừa an toàn, vừa đảm bảo được đúng thời gian vào lớp cho con em mình.
Cũng cần nhớ rằng, khi đưa đón các em, chính chúng ta đang dạy các em những bài học về tham gia giao thông, vì vậy hãy có sự chuẩn mực tự thân. Đừng vì bất cứ lý do gì mà khiến cho các em nhiễm các thói quen vượt đèn đỏ, không nhường đường... từ sự nóng vội của chính những người đang hàng ngày đưa đón.
Một vòng quay mới lại bắt đầuvới chuỗi ngàyđưa đón con em đến trường. Và, khi nó gắn với sức khỏe và sinh mạng của chính con em chúng ta, hãy cố gắng để vòng quay ấy vận hành một cách hoàn hảo nhất trong năm học tới.
Quốc Thắng