Góc nhìn 365: Văn Miếu - đến hẹn lại lên
2 ngày cuối tuần vừa qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại trở thành điểm đến đặc biệt tại Hà Nội, trước những dòng người nườm nượp. Chẳng có gì lạ: Vài ngày nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc sẽ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Kỳ thi quan trọng, thì tất nhiên nên tới Văn Miếu cầu may - đó là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh và sĩ tử. Đặc biệt, lại càng “phải” đến, khi mà không gian đặc biệt này đã mở cửa đón khách sau đại dịch, thay vì tình trạng đóng cửa khiến nhiều người phải đứng bên ngoài... vái vọng như năm vừa qua...
Bởi thế, chẳng có gì lạ: Bất chấp thời tiết nắng nóng và oi bức giữa hè, sĩ tử Hà Nội - và cả một số tỉnh lân cận - vẫn dồn về Văn Miếu để gửi gắm tâm nguyện và sự nhiệt thành của mình. Thậm chí, như lời kể, bên cạnh các phụ huynh, có cả những thầy cô giáo đưa tập thể học sinh trong lớp tới đây hành lễ.
Và, nếu chịu quan sát những gì đang diễn ra ở đây, có thể thấy rõ sự đa dạng, kết hợp cổ kim trong cách nguyện cầu của sĩ tử. Có dâng hương trước tượng Chu Văn An. Có kính lễ trước đức Khổng Tử. Có thắp hương, đốt vàng mã kèm theo... đọc rõ số báo danh, phòng thi, ngày sinh tháng đẻ. Rồi, tại các điểm viết thư pháp, các cô cậu học sinh lớp 12 cũng không ngại xếp hàng để xin 2 chữ “đăng khoa” về treo trong nhà.
Thậm chí, khá thú vị, các sĩ tử năm nay còn truyền tai nhau nghi thức đứng trước các bức tường sau tượng Khổng Tử, tượng Chu Văn An để dùng tay viết những tâm nguyện tưởng tượng của mình lên tường. Cách viết lên tường “thiêng” như thế dường như mới chỉ xuất hiện từ một vài năm nay ở các sĩ tử thế hệ Gen Z - khi mà các hình thức sờ đầu “cụ” rùa đá lấy may hoặc đặt tiền tại các bàn thờ từng nhận về không ít những phản ứng của cộng đồng.
Dù sao, những dòng chữ “tưởng tượng” ấy cũng là một cách cầu may dễ thương và... tiến bộ, so với những gì từng có.
***
Chuyện cầu may của những sĩ tử tại Văn Miếu trước mùa thi không mới, như nó đã từng diễn ra trong cả chục năm qua. Có chăng, những thay đổi theo thời gian và thế hệ, khiến câu chuyện ấy mỗi năm cũng sẽ dần pha thêm những gam màu mới.
Và nếu xét rộng ra, vài trăm năm trước, việc cầu may và hành lễ ở Văn Miếu cũng đã được thực hành bởi các sĩ tử thời phong kiến. Như những gì được ghi chép lại, trong số các địa chỉ gắn với Nho gia, Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long có tính chất quốc gia nên vẫn luôn có sức hút lớn nhất với các sĩ tử đương thời. Có chăng, sau khi làm lễ tại bàn thờ của Khổng Tử cùng các vị thánh hiền, người xưa chỉ ra chiêm bái hàng bia tiến sĩ nơi Văn Miếu, thay vì những nghi thức đa dạng như hiện tại.
Nhưng, cũng cần thẳng thắn, với tư duy của xã hội đương đại, sẽ chẳng có mấy người tuyệt đối tin tưởng vào khái niệm “may mắn” mà việc hành lễ ở Văn Miếu mang lại cho mình. Và, câu chuyện cầu may ở đây cần được nhìn như một liệu pháp tinh thần mà ai cũng muốn trải nghiệm, để mang lại cho bản thân thêm chút tự tin và lạc quan cho kỳ thi sắp tới.
Nhìn theo cách ấy, chuyện cầu may ở Văn Miếu lại là một tập quán nên được chấp thuận - nếu cộng đồng biết loại bỏ những nét tiêu cực từ tâm lý a dua mê tín vốn đang tràn lan ở các đình chùa miếu mạo. Và, tương ứng với vai trò của một không gian đã trở thành biểu tượng như Văn Miếu, có chăng việc cầu may của sĩ tử cũng nên được chỉ dẫn, khuyến khích bằng các quy định “mềm”, để trở thành một nét đẹp văn hóa theo đúng nghĩa của từ này?
Trí Uẩn