Góc nhìn 365: Từ khoảng lặng của sân khấu
(Thethaovanhoa.vn) - “Khi người ta vui vẻ, có của ăn của để thì không khó để kéo nhau đi xem sân khấu. Còn sắp tới, sau dịch, đời sống khó khăn thì liệu họ có dễ tìm đến với chúng tôi?” - đó là những lo lắng rất thật mà một giám đốc nhà hát chia sẻ vào giữa tuần qua, trong cuộc tọa đàm với báo giới về sân khấu mùa... Covid-19.
Và cũng rất thật, nhận xét ấy được đáp lại từ một số đồng nghiệp từ những nhà hát khác, rằng chưa cần chờ hết dịch, việc giữ được phần nào thu nhập – và đặc biệt, giữ được nhiệt huyết - cho các nghệ sĩ cũng đã là một bài toán rất khó trong giai đoạn này.
Có lẽ, chục năm qua, chưa bao giờ ngành sân khấu lại rơi vào cảnh ảm đạm và khó khăn đến vậy. Vừa bước ra khỏi “năm Covid thứ nhất”, các Nhà hát lại vấp phải đợt dịch thứ ba vào Tết nguyên đán năm nay. Rồi, “nhúc nhắc” gượng dậy, một số đơn vị chỉ kịp ra mắt, hoặc khởi công vở diễn mới, thì đợt dịch mới lại tràn về.
Không biểu diễn, không có nguồn thu, cũng không lạ khi tại cuộc tọa đàm kể trên, giám đốc một số nhà hát đã buồn rầu nhắc tới những cuộc chia tay với nghề của một số nghệ sĩ. Bên cạnh những gương mặt trẻ, trong số họ còn có cả một vài trường hợp giàu kinh nghiệm - thậm chí là đủ điều kiện để vào biên chế, hoặc xin xét duyệt danh hiệu NSƯT trong năm nay...
***
Nhìn lại, cuộc khủng hoảng của sân khấu trước dịch Covid-19 đã kéo dài từ hơn một năm qua. Và rộng hơn, từ vài năm trở lại đây, sân khấu Việt Nam nói chung cũng chưa bao giờ ổn định thật sự khi đặt trong bối cảnh loay hoay tìm sự khẳng định bên cạnh những loại hình giải trí hiện đại.
Bởi thế, như lời nhiều chuyên gia,“khoảng lặng”đang kéo dài cũng chính là cơ hội để sân khấu nhìn lại, và tự giải những bài toán mà giai đoạn phát triển mới của đời sống đang đặt ra cho mình. Ở đó, sự tiếp sức “hậu Covid-19” của ngành quản lý văn hóa - như đã từng có vào năm ngoái - chỉ là giải pháp khích lệ, để khơi nguồn cho sự tìm tòi từ chính những người trong cuộc.
Thẳng thắn, cũng đã có khá nhiều ý tưởng được các nhà hát xới lên – và từng được thử nghiệm - quanh sự thay đổi cần có này. Chẳng hạn, đó là giải pháp đầu tư có trọng điểm: Thay vì dựng một năm 2 vở, các nhà hát có thể nghiên cứu dựng 2 năm một vở, thậm chí là sẵn sàng “góp gạo thổi cơm chung” cùng đơn vị khác. Miễn là, sản phẩm nghệ thuật phải thật sự hoàn hảo, để từ đó thuyết phục khán giả mua vé tới xem.
- Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh: Tìm hướng đi mới trong mùa dịch Covid-19
- Sân khấu phía Nam mùa dịch Covid-19: 'Còn sống còn cựa quậy'
Rồi, ở bối cảnh dịch vụ trực tuyến đang lên ngôi trong xã hội, sân khấu có lẽ cũng không thể đứng ngoài cuộc - dù đặc thù của nó vẫn là sự tương tác trực tiếp với khán giả. Bên cạnh những trích đoạn, clip ngắn mà một số nhà hát đã đưa lên mạng xã hội, ý tưởng nghiên cứu mô hình “nhà hát online” cũng được nhắc tới - khi các đơn vị có thể tận dụng ghi hình những vở diễn không còn khả năng khai thác theo con đường bán vé hoặc phục dựng những vở diễn cũ để phục vụ khán giả trẻ bây giờ.
Và, cũng không thể bỏ qua những giải pháp căn cơ và bền vững, như đề án “Xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu” mà Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đang ấp ủ. Theo đó, các chương trình sân khấu học đường cần được đầu tư về chất lượng theo đúng với tiêu chí của từng vùng miền để tạo dựng một lượng khán giả cho tương lai - trong khi các đơn vị nghệ thuật cũng phải xây dựng dần những “chuẩn” chất lượng để dành cho người trẻ.
Như lời NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, càng bị đẩy vào thế khó, người làm sân khấu càng phải dẹp bỏ tư tưởng than vãn, mà bắt tay vào thực hiện ngay những điều cần thiết và vận dụng những sáng tạo độc đáo để “khoảng lặng” đang có không trôi đi vô ích....
Trí Uẩn