Góc nhìn 365: Từ Hỏa Lò tới Chí Hòa
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về kế hoạch di dời trại giam Chí Hòa ra khỏi nội đô TP HCM đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Cụ thể, với sự xuống cấp theo thời gian, kiến trúc có độ tuổi gần 80 năm này dự kiến được giao lại cho TP HCM quản lý, trong khi một trại giam thay thế sẽ được xây dựng ở ngoại ô thành phố.
Sự quan tâm của dư luận tất nhiên không nằm ở quyết định di dời trại giam, mà tập trung vào kế hoạch khai thác diện tích 70.000 m2 của Chí Hòa. Như quy hoạch từng có của thành phố, khoảng 40% diện tích đó sẽ được sử dụng làm công viên cây xanh, phần còn lại trở được chuyển đổi thành công trình giáo dục và nhà tái định cư.
Đó là một giải pháp không quá tệ, khi một công viên mới của TP.HCM sẽ được hình thành. Thế nhưng, với lịch sử tồn tại gần 80 năm như một chứng nhân đặc biệt của thành phố cộng cùng kiến trúc độc đáo của một nhà tù hình bát giác (được cho là mang yếu tố phong thủy phương Đông), nhiều chuyên gia đã mạnh dạn lên tiếng đề xuất bảo tồn một phần, hoặc toàn bộ trại giam này.
Từ câu chuyện của Chí Hòa, hãy nhớ về trại giam Hỏa Lò của Hà Nội, một trường hợp có rất nhiều điểm tương đồng.
Xây dựng năm 1896, Hỏa Lò là cũng mang kiến trúc Pháp, cũng nằm ở vị trí ngay giữa trung tâm Hà Nội và cũng là nơi giam giữ tù nhân qua nhiều thời kỳ. Năm 1993, sau khi một trại giam mới được xây dựng tại Từ Liêm, Hỏa Lò được phá bỏ phần lớn để xây dựng cao ốc thương mại với tên gọi Hanoi Tower. Một phần nhỏ của nó, rộng khoảng 2.000m2, được bảo tồn và xếp hạng di tích 4 năm sau đó.
Cách ứng xử ấy không quá tệ. Nhưng, theo thời gian, khi di tích Hỏa Lò ngày càng hút khách và dần mở rộng để kết nối với những không gian văn hóa liền kề như phố sách Hà Nội, Bảo tàng Công an nhân dân hay Thư viện Quốc gia, người ta lại càng luyến tiếc khi nhìn vào Hanoi Tower - tòa cao ốc có thể bắt gặp bất cứ đâu tại Hà Nội.
Và trong sự luyến tiếc ấy, nhiều người nhắc tới đồ án cải tạo Hỏa Lò có tên “Quảng trường Khoan dung” của KTS Hoàng Thúc Hào, từng đoạt giải trong một cuộc thi của hội KTS Quốc tế UIA năm 1996. Ý tưởng của Hào khá độc đáo: Hòa Lò từng là nơi giam giữ những người châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, châu Á... - để rồi bây giờ, nó cần mang một diện mạo khác khi lập lại hòa bình. Và, những bức tường nhà tù cần được “dỡ” ra, xếp lại trên mặt nước theo trật tự mới để trở thành một không gian mở cho cộng đồng.
Chắc chắn, Hà Nội sẽ đẹp và hấp dẫn hơn, nếu có một “Quảng trường khoan dung” bên phần di tích Hỏa Lò còn lại. Thậm chí, đi xa hơn, trong một cuộc trò chuyện với người viết, PGS Nguyễn Văn Huy còn tỏ ý tiếc nuối khi nói về hàng ngàn câu chuyện mà Hỏa Lò mang theo nó trong mỗi phòng giam. Không chỉ là chuyện của những nhà cách mạng trong thời chống Pháp, đó còn là chuyện của những phi công Mỹ từng bị giam trong “Hilton Hà Nội”, của những tội phạm lớn trong lịch sử Hà Nội thời hiện đại.
Như lời ông, tất cả lẽ ra nên được bảo tồn nguyên trạng và có cách tiếp cận đúng để Hỏa Lò sẽ vừa là một di tích hoàn chỉnh, vừa mang về nguồn thu lớn từ khách tham quan. Thậm chí, giống như cách làm phổ biến trên thế giới, Hà Nội còn có thể mở tour cho du khách nghỉ lại một đêm ở đây, với các điều kiện sinh hoạt mô phỏng quá khứ.
Hãy cứ nhắc lại những câu chuyện ấy, trước khi nói về việcchuyển đổi ở Chí Hòa. Và, dù chọn cách bảo tồn như thế nào, hãy nhớ: Tiền bạc có thể thay thế mọi thứ, nhưng không bao giờ vượt qua nổi khoảng cách thời gian để thay thế những kiến trúc đã là một phần lịch sử của đô thị.
Cúc Đường