Góc nhìn 365: Sáng tạo để "tiếp thị" cho di sản
Triển lãm Âm vọng - từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại vừa diễn ra ít ngày trước tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đó không phải là một cuộc triển lãm đơn thuần trong đời sống mỹ thuật, khi những gì được trưng bày lại liên quan tới một di sản lớn: Cửu đỉnh triều Nguyễn.
Cần nhắc lại, Cửu đỉnh triều Nguyễn gồm 9 đỉnh đồng, được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Mỗi đỉnh đồng ấy được đúc nổi 17 họa tiết, gắn với các biểu tượng về linh vật, côn trùng, thảo mộc, vũ khí, địa danh, sông núi... Có nghĩa, đây là một bộ "bách khoa thư" độc đáo về Việt Nam, do những người thợ Việt Nam thực hiện.
Hiện đang đặt tại Huế, Cửu đỉnh triều Nguyễn từng được xếp vào danh mục Bảo vật Quốc gia năm 2012. Và tiếp đó, những bản đúc nổi trên bảo vật này được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào giữa năm nay (2024).
Còn cuộc triển lãm diễn ra vừa qua lại liên quan tới một dự án thú vị của nhiều chuyên gia và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Thực hiện bộ tranh khắc gỗ từ những họa tiết trên Cửu đỉnh.
Theo đó, 81 bức tranh khắc gỗ tại triển lãm là 81 câu chuyện "thuần Việt", đưa người xem lần lượt đến với những địa danh như Đà Nẵng hải khẩu, Hải Vân quan; những sản vật như đào, kỳ nam (trầm hương) uất kim (củ nghệ); những linh thú như ngạc ngư (cá sấu), cá voi, linh quy (rùa nước) hay những loại cây như tùng, bách, trân châu hoa (hoa hòe)...
Đáng nói hơn, dự án ấy không chỉ là sự chuyển thể từ ngôn ngữ của nghệ thuật đúc đồng sang ngôn ngữ của nghệ thuật khắc gỗ dân gian, mà còn gắn kèm những sáng tạo và phát triển mang phong cách đương đại, để các họa tiết - di sản này gần với cuộc sống hàng ngày.
Bởi thế, bên cạnh phần tranh khắc gỗ, triển lãm còn có sự tham gia của các nghệ nhân Bát Tràng, với những màu men lam, men hỏa biến và những hình ảnh từ Cửu đỉnh triều Nguyễn được đưa vào một số sản phẩm đồ gốm sứ. Rồi, bên cạnh đó là phần trình diễn các trang phục truyền thống, với hoa văn họa tiết lấy cảm hứng từ Cửu đỉnh của một thương hiệu thời trang.
Như lời PGS Trang Thanh Hiền, (ĐH Mỹ thuật Việt Nam, chủ nhiệm dự án) mong muốn của những người thực hiện là "tiếp thị" Cửu đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của lịch sử văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ của chị, cũng như những gì được thể hiện tại triển lãm, hẳn khiến chúng ta nhớ về một xu thế đang xuất hiện ngày một nhiều trong những năm qua - xu thế phát triển những vật phẩm cho cuộc sống đương đại, dựa trên "bệ đỡ" di sản văn hóa truyền thống.
Những sản phẩm tranh, áo, vật dụng... mang âm hưởng của phong cách tranh Đông Hồ hoặc tranh Hàng Trống. Những chú nghê - một linh vật "thuần Việt" - bước đầu được tạo tác thành đồ lưu niệm hoặc vật dụng hàng ngày. Đó chỉ là một vài ví dụ trong dòng chảy sáng tạo, để đưa di sản văn hóa Việt Nam thật sự trở thành một phần sống động và hữu ích trong cuộc sống.
Và như thế, những gì vừa diễn ra với Cửu đỉnh triều Nguyễn lại mang đến thêm một tín hiệu vui trong dòng chảy sáng tạo ấy.